Đăng kiểm

Sẵn sàng kiểm định khí thải xe máy

01/10/2024, 14:30

Các trung tâm đăng kiểm ô tô và cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cho biết đã sẵn sàng tham gia vào mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy khi có lộ trình thực hiện.

Mặt bằng tối thiểu 35m2

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy của cơ sở kiểm định khí thải.

Sẵn sàng kiểm định khí thải xe máy- Ảnh 1.

Các đơn vị đăng kiểm ô tô và cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẵn sàng tham gia hoạt động kiểm định khí thải xe máy khi có lộ trình triển khai (ảnh minh họa).

Dự thảo quy định rõ các cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy phải có diện tích tối thiểu 35m2, mỗi vị trí kiểm định phải có diện tích tối thiểu 6m2; bố trí đầy đủ các khu vực kiểm định, khu vực văn phòng. Các cơ sở kiểm định lưu động không bắt buộc có khu vực văn phòng.

Thiết bị kiểm định khí thải phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Các cơ sở này cũng cần có tối thiểu 1 đăng kiểm viên kiểm định được cấp chứng chỉ theo quy định; Hoạt động tối thiểu 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần.

Đại diện Trung tâm Đăng kiểm 2927D (Hà Nội) cho biết, các trung tâm đăng kiểm gần như đều đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Đối với thiết bị kiểm định khí thải, có thể cập nhật phần mềm để sử dụng chung thiết bị kiểm định khí thải với ô tô. Về nhân lực, các đăng kiểm viên ô tô chỉ cần tham gia một khóa tập huấn là có thể thực hiện dễ dàng.

Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2801S (Hòa Bình) cũng cho biết, những điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở kiểm định khí thải theo đề xuất của Bộ GTVT là phù hợp: "Hoàn toàn có thể huy động các trung tâm đăng kiểm xe ô tô hiện nay tham gia vào mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy ngay khi có lộ trình triển khai.

Việc cho phép kiểm định khí thải lưu động cũng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận người dân có nhu cầu, hạn chế việc người dân phải di chuyển xa".

Huy động cả các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng

Ông Lê Văn Vệ, Trưởng khối Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam cho biết, hệ thống cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng Honda luôn sẵn sàng tham gia hoạt động kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy.

Thời gian qua, công ty đã phối hợp với các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai thí điểm kiểm tra khí thải xe máy ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng nên có nhiều kinh nghiệm.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện nay, toàn quốc có khoảng gần 300 đơn vị trong hệ thống kiểm định xe cơ giới, hơn 600 cơ sở bảo dưỡng xe máy, 1.800 đơn vị thuộc hệ thống các xưởng bảo hành, bảo dưỡng xe máy. Tổng cộng nếu huy động tất cả sẽ có khoảng 2.700 đơn vị có thể kiểm định khí thải xe máy.

Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, khi có lộ trình triển khai kiểm định khí thải, với số lượng 72 triệu xe máy xăng đang lưu hành trên cả nước hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu, Cục Đăng kiểm VN đã tính toán phương án huy động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cũng như các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp mô tô, xe gắn máy tham gia.

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, các trung tâm đăng kiểm ô tô hoàn toàn đáp ứng được hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Về thiết bị kiểm định khí thải, có thể tích hợp với thiết bị kiểm tra khí thải ô tô, tuy nhiên phải kiểm tra xem đầu lấy mẫu có tương thích hay không, hoặc có thể trang bị thiết bị dành riêng cho xe máy.

Đối với nhân lực, cơ quan này đang tính đến phương án tổ chức tập huấn cho các đăng kiểm viên trung tâm đăng kiểm và kỹ thuật viên các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng để lấy chứng chỉ kiểm định viên khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Giá kiểm định thế nào?

Dù sẵn sàng tham gia vào mạng lưới kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy nhưng nhiều đơn vị đăng kiểm xe ô tô vẫn băn khoăn về giá dịch vụ kiểm định.

Theo dự thảo Nghị định, Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì xây dựng, ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy.

Đại diện một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy dù quy trình thực hiện đơn giản hơn ô tô nhưng vẫn cần nhập dữ liệu để lập hồ sơ phương tiện, in ấn tem kiểm định nên sẽ cần ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ và 1 kiểm định viên thực hiện.

Về quy trình kiểm định có thể coi như 1/5 công đoạn kiểm định ô tô, do đó cân nhắc mức giá tối thiểu bằng 1/5 giá dịch vụ kiểm định xe ô tô con là hợp lý, chưa tính lệ phí in tem kiểm định.

Đại diện một trung tâm đăng kiểm khác cho biết, để tránh tình trạng "làm không đủ bù lỗ", cần xây dựng giá kiểm định khí thải xe máy phù hợp, đảm bảo đủ để các đơn vị đăng kiểm sẵn sàng đầu tư, tham gia.

Trong khi đó, đại diện VAMM cho biết, để các trạm có thể thu hồi vốn đầu tư một năm, mức phí kiểm định phải dao động từ 37.500 - 50.000 đồng. 

Mức phí này tính trên dự báo mỗi ngày trạm kiểm định khoảng 10 xe/giờ, mỗi ngày 80 xe (nếu xe ra vào liên tục). Tuy nhiên, thực tế có thể sẽ không diễn ra theo kịch bản.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo lộ trình việc kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để ban hành quyết định lộ trình thực hiện. Trong đó sẽ quy định cụ thể thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức, đối tượng triển khai.

Như vậy, việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy vẫn sẽ phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án, thời điểm thực hiện, cách thức triển khai, tiêu chuẩn và đối tượng áp dụng.

Đại diện VAMM kiến nghị nên triển khai trước tại các thành phố đang bị ô nhiễm nặng nhất là Hà Nội, TP.HCM, sau đó mở rộng dần. 

Chu kỳ kiểm định có thể 2 năm/lần với xe máy sản xuất từ 5 năm trở lên. Đồng thời, cần có chế tài đối với các xe không thực hiện kiểm định, không có tem kiểm định vẫn tham gia giao thông.

Theo Cục Đăng kiểm VN, dù Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 song thời điểm này chưa thực hiện kiểm định khí thải với tất cả xe máy mà sẽ thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để ban hành quyết định lộ trình thực hiện. Trong đó sẽ quy định cụ thể thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức, đối tượng triển khai.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.