Chất lượng sống

Sản xuất nước mắm phớt lờ bắt buộc bổ sung iốt

16/12/2017, 06:00

Mặc dù quy định bắt buộc bổ sung vi chất iốt vào thực phẩm có hiệu lực từ năm 2016 nhưng việc thực hiện...

16

Doanh nghiệp băn khoăn việc đưa muối iốt vào sản xuất thực phẩm

Tại Hội thảo tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm, trong đó có vi chất iốt, ngày 14/12, ông Phạm Quang Tùng, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT cho biết, qua kiểm tra, khảo sát, hiện các cơ sở chế biến muối đã cơ bản thực hiện quy định bổ sung iốt. Tuy nhiên, chưa đơn vị chế biến nước mắm nào thực hiện việc này. “Cũng có nhiều nguyên nhân được các doanh nghiệp sản xuất nước mắm đưa ra, như việc lo ngại biến đổi mùi, vị, màu sắc… khi đưa chất iốt vào nước mắm”.

Ông Phạm Văn Nhã, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Hải cho biết, bài học thực tế của những năm 90 khi doanh nghiệp thực hiện theo chủ trương bổ sung vi chất sắt vào nước mắm. Hậu quả để lại là gánh nặng kinh tế với doanh nghiệp vì sắt gây nên độ tanh cho nước mắm, khiến sản phẩm không thể lưu thông trên thị trường.

Ông Nhã cho biết thêm: “Đơn vị cũng rất muốn thí điểm thực hiện nhưng ai là “bà đỡ” cho chúng tôi? Quá trình thí điểm nếu vướng mắc chúng tôi cần hỗ trợ, muốn thực hiện nhưng chúng tôi rất bơ vơ. Ngay khi nghị định này ra đời, các địa phương, ban ngành không có động thái hỗ trợ nào đối với sản xuất thực phẩm”.

Ông Nhữ Đình Ngọc, doanh nghiệp nước mắm Thanh Hà, Phú Quốc cũng cho hay: “Đơn vị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trước việc bắt buộc dùng iốt trong sản phẩm nước mắm. Bởi, một số khách hàng nước ngoài không chấp nhận sản phẩm có iốt. Chúng tôi phải cam kết sản phẩm không sử dụng iốt, thậm chí cả với nguồn muối cũng không trộn iốt. Tuy nhiên, vẫn không được khách hàng chấp nhận vì bản thân đơn vị sản xuất đã không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam…”.

Ngoài ra, ông Ngọc cũng cho biết, cái khó của doanh nghiệp, sản xuất nước mắm theo cách truyền thống phải ủ chợp 12-15 tháng, ra sản phẩm phải mất hơn 2 năm. Trong khi đó, Nghị định chỉ cho 1 năm chuẩn bị, quả thật không đủ thời gian cho doanh nghiệp thử nghiệm.

Một số doanh nghiệp cũng đề xuất Nhà nước cần có hỗ trợ vi chất iốt cho các doanh nghiệp trong thời gian ngắn 1-2 năm hoặc hỗ trợ bằng các nghiên cứu khoa học để khẳng định việc đưa muối iốt vào sản xuất các sản phẩm khác không gây ảnh hưởng đến chất lượng. Theo ông Tùng, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ 4 dự án thử nghiệm dùng muối iốt để ướp cá lên men làm nước mắm truyền thống tại các khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Trong khi đó, theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, chỉ có 6% người dân sử dụng muối tăng cường iốt trong bữa ăn hàng ngày (chủ yếu miền núi), còn phần lớn người dân sử dụng bột canh, hạt nêm, nước mắm và các gia vị mặn khác. Do vậy, nếu chỉ có muối ăn, lượng iốt sẽ không đủ để phòng chống tình trạng thiếu hụt iốt và tình trạng này sẽ không khắc phục được.

“Việc thiếu vi chất dinh dưỡng mà ở đây là iốt không biểu hiện nhanh chóng ra ngoài mà diễn tiến bệnh âm thầm, dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của con người. Trong đó, đối tượng bị tác động mạnh nhất chính là phụ nữ và trẻ em và các tổn thương gây ra như đần độn, thiểu năng trí tuệ không thể chữa được”, bà Thủy cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.