Sáng 20/7, Bộ Y tế thông tin, cả nước ghi nhận thêm 2.155 ca mắc mới (BN58026-60180), gồm 1 ca nhập cảnh và 2.154 ca ghi nhận trong nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 1.519 ca, tiếp đến là Bình Dương 156, Tiền Giang (133), Đồng Nai (80), Vĩnh Long (43), Khánh Hòa (38), Bến Tre (34), Đà Nẵng (32), Bà Rịa - Vũng Tàu (26), Cần Thơ (22), Phú Yên (12), Hậu Giang (10), Kiên Giang (8 ), Vĩnh Phúc (7), Hà Nội (6), Bình Phước (6), An Giang (6), Đồng Tháp (6), Đắk Lắk (2), Quảng Ngãi (2), Bạc Liêu (2), Lâm Đồng (2), Quảng Nam (1), Lạng Sơn (1); trong đó có 251 ca trong cộng đồng.
Lực lượng y tế rà soát tình hình dịch trên địa bàn dân cư
Như vậy, tính đến sáng ngày 20/7, Việt Nam có tổng cộng 60.180 ca mắc, trong đó 58.100 ca trong nước và 2.080 ca nhập cảnh.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 56.530 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 11/58 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Về tình hình điều trị, đến nay đã có 11.074 ca được điều trị khỏi; 118 ca đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 64.226 xét nghiệm cho 214.746 lượt người; Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.589.253 xét nghiệm cho 12.189.959 lượt người.
Trong ngày có 21.595 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.305.501, trong đó tiêm 1 mũi là 3.995.710 người, tiêm đủ 2 mũi là: 309.791 người.
Bình Dương "nóng" với kịch bản 10 nghìn ca bệnh
Theo bà Đoàn Thị Hồng Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 3.000 ca mắc Covid-19. Số ca mắc vẫn tăng rất nhanh mỗi ngày.
Ngành Y tế đang trưng dụng các cơ sở giáo dục để triển khai thành các cơ sở thu dung điều trị COVID-19. Tổng số giường điều trị hiện có khoảng 2.500 giường. Mới đây, tỉnh đã khai trương BV Dã chiến với quy mô 1.500 giường, dự kiến 20/7 sẽ đi vào hoạt động, nâng công suất giường điều trị Covid-19 lên 4.000 giường. Ngành y tế cũng đang tiếp tục khảo sát và xây dựng các phương án nâng công suất giường điều trị.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, với tình hình hiện nay, tỉnh Bình Dương cần dự báo số ca bệnh Covid-19 có thể tăng lên từ 8-10.000 trường hợp. Nếu không có phương án trước rất dễ dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng.
Theo kinh nghiệm điều trị tại nhiều tỉnh thành, ông Nguyễn Trọng Khoa đề xuất tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng thiết lập mạng lưới điều trị Covid-19 “3 tầng” để phân loại và tập trung nguồn lực đúng trọng tâm.
Với kịch bản chuẩn bị cho 10.000 ca bệnh, tỉnh xây dựng mạng lưới cơ sở điều trị theo mô hình tháp “3 tầng”, đáp ứng thu dung điều trị bệnh nhân đúng mức độ và có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần nhanh chóng xúc tiến thành lập Trung tâm điều phối và đường dây nóng thông tin tư vấn cho người dân, đồng thời sẵn sàng các nguồn lực hậu cần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận