Dự án Luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp đầu tiên của cá nhân một ĐBQH - bà Trần Thị Quốc Khánh |
Văn phòng Chính phủ vừa chính thức có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng về dự án Luật Hành chính công. Đây là sáng kiến lập pháp đầu tiên của cá nhân một ĐBQH – bà Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội).
Theo văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ với dự án luật theo hướng: Tuy đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc, công phu, nhưng về cơ bản, dự án Luật có nhiều vấn đề chưa hợp lý, rất khó có thể khắc phục, nhất là về phạm vi điều chỉnh; về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; về bảo đảm tính minh bạch và khả thi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ thấy rằng việc xây dựng, ban hành Luật này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về trình tự, thủ tục và nội dung; không bảo đảm tính khả thi. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật này là chưa cần thiết.
Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, sự nỗ lực, cố gắng của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh và Ban soạn thảo trong việc đề xuất và chủ trì xây dựng dự án Luật. Những kết quả nghiên cứu xây dựng dự án luật có giá trị sẽ được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sử dụng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này, tuy nhiên, hầu hết các đại biểu nêu ý kiến đều bày tỏ nhiều băn khoăn và chưa bị thuyết phục bởi các quy định trong Dự thảo Luật.
Thẩm tra dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, những lý do về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục, chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được luật sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập cụ thể nào của nền hành chính nước ta hiện nay. Vì thế, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi đó đã đánh giá việc xây dựng (dự án luật) là cố gắng, nhưng sẽ khó khăn trong khi Chính phủ chưa có quan điểm rõ về dự án này, bởi Chính phủ phải đồng tình mới đưa ra Quốc hội được. Đến nay, Chính phủ đã chính thức thể hiện quan điểm, chưa đồng tình với tính cấp thiết ban hành Dự luật này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận