Chuyện dọc đường

Sao cứ phải cố xây 5 cổng chào dù chưa được phép?

16/01/2022, 16:12

Chưa được Tổng cục Đường bộ chấp thuận do mất an toàn giao thông, song TP Kon Tum đã triển khai xây 5 cổng chào cho "kịp tiến độ".

Những ngày đầu năm, trên quốc lộ 14, hàng chục công nhân đang thi công hoàn thiện cổng chào phía Nam (cao 6 m, dài 18 m) TP Kon Tum (giáp ranh tỉnh Gia Lai). Ba cổng chào ở nội thành và một cổng ở phía bắc đã hoàn thành trước đó. Tổng kinh phí 5 cổng chào hơn 8 tỷ đồng.

img

Cổng chào TP. Kon Tum

Trước khi thi công, UBND TP Kon Tum xin ý kiến Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ), nhưng chưa được đơn vị này đồng ý. Tổng cục Đường bộ cho rằng đất ven đường chỉ để dành xây dựng công trình giao thông. Các cấu kiện gắn trên cổng tiềm ẩn nguy cơ rơi, gãy và làm người đi đường giảm sự quan sát, dễ gia tăng nguy cơ tai nạn.

Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Kon Tum (chủ đầu tư) vẫn cho đơn vị thi công xây dựng 5 cổng chào trên quốc lộ 14 từ đầu năm ngoái.

Cục Quản lý đường bộ III 5 lần ban hành các quyết định xử phạt chủ đầu tư và đơn vị thi công nhà thầu, buộc tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu vì "thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép".

Cuối tháng 12, Cục Quản lý đường bộ III đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND TP Kon Tum khi xây dựng các cổng chào trái phép.

Lý giải việc này, tại buổi họp báo hôm 14/1, ông Nguyễn Thanh Mân, chủ tịch UBND TP. Kon Tum, phân trần, những công trình này được khởi công "vì mục đích lên đô thị loại II". Việc xin giấy phép xây dựng cổng chào "phức tạp", trong khi tỉnh yêu cầu hoàn thành các cổng chào trước năm 2021 nên thành phố triển khai cho kịp tiến độ.

Vụ việc xây 5 cổng chào trị giá 8 tỷ đồng khi chưa được cấp phép của TP Kon Tum khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây cổng chào là một sự lãng phí, không cần thiết.

Đặc biệt, việc thi công khi chưa được cấp giấy phép, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng về nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Nếu như thời gian tới, xảy ra việc gãy đổ cổng chào và gây hậu quả đáng tiếc với người đi đường, không hiểu ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Không lẽ chỉ vì mục đích "lên đô thị loại II" mà chính quyền thành phố bất chấp các quy định của pháp luật, phớt lờ cảnh báo của cơ quan chuyên môn?

Điều khó hiểu nhất là việc làm sai quy định pháp luật lại được thực hiện bởi chính cơ quan nhà nước chứ không phải người dân! Đây có thể trở thành một tiền lệ rất xấu, khiến người dân mất niềm tin vào việc thực thi công vụ của cán bộ thành phố.

Tới đây, nếu không may các cổng chào bị gãy đổ, mất an toàn, liệu thành phố có cho tháo dỡ? Khi đó thì chi phí tháo dỡ lại do ngân sách bỏ ra, hay từ tiền túi của ai?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.