Hà Nội và các thành phố lớn đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt bãi đỗ xe ngầm. Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng đây là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội và có thể là cái vòng lặp luẩn quẩn...
Quá tốn kém và không hề tiết kiệm không gian
TP Hà Nội vừa chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư HimLamBC đầu tư xây bãi xe ngầm với số vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng tại công viên Thủ Lệ. Trước đó là các bãi đỗ xe ngầm ở công viên Nhân Chính, nhà thi đấu Quần Ngựa, công viên Thống Nhất... Nhiều người cho rằng việc đầu tư này quá tốn kém. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
Theo tôi, do đặc thù trong xây dựng vận hành khai thác nên mô hình bãi xe ngầm thường chỉ được ứng dụng trong những điều kiện nhất định và không có tính đại trà.
Đô thị lớn thường có khu trung tâm (Central Business District - CBD) là nơi tập trung văn phòng, công sở, siêu thị mua sắm, nhà hàng với mật độ cao trong một diện tích hẹp, do không đủ không gian nên khu này thường cần một số bãi đỗ xe ngầm/trên cao.
UBND TP Hà Nội đang triển khai nhanh 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (Ba Đình); Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); Quảng trường Cách mạng 19/8 và Vườn hoa Cổ Tân (Hoàn Kiếm); trước số 295 Lê Duẩn (Hai Bà Trưng); Công viên Tuổi Trẻ; Công viên Cây xanh Thể thao Mễ Trì Hạ; Công viên Thủ Lệ.
Tuy vậy, những khu vực CBD không nhiều, trong một đô thị chỉ có một hoặc vài khu như vậy. Cần nói thêm là Hà Nội, cũng như TP HCM chưa có khu CBD thực sự rõ ràng theo định nghĩa này.
Phương án đỗ xe ngầm đòi hỏi các chi phí lớn về xây dựng, khai thác vận hành. Cùng đó là các yêu cầu về thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, xử lý úng ngập... Bởi vậy, nếu so với phương án đỗ xe trên mặt đất, đỗ xe ngầm là phương án vô cùng tốn kém về mặt xã hội.
Làm một bãi đỗ xe ngầm có thể mất hàng nghìn tỷ, nhưng chỉ vài trăm tỷ đã có thể làm được những không gian đỗ xe trên mặt đất có công suất gấp hàng chục lần như vậy. Rõ ràng đây là bài toán kinh tế, xã hội cần phải được phân tích rất kỹ lưỡng vì cuối cùng người dân chính là người chi trả cho các dự án này.
Bãi xe ngầm có phải là giải pháp tiết kiệm không gian khi quỹ đất ở Hà Nội quá ít, thưa ông?
Nếu một người đã sử dụng cả hai bãi đỗ xe trên mặt đất và ngầm có thể thấy rõ ưu thế đơn giản của bãi đỗ xe trên mặt đất và sự phức tạp, khó khăn khi sử dụng bãi đỗ xe ngầm.
Tôi cho rằng, đang có rất nhiều vấn đề với bãi đỗ xe ngầm tại Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, mức độ ô nhiễm không khí và điều kiện làm việc của người lao động trong các không gian này. Hiện nay chưa ai đặt ra nhưng chúng ta có thể cảm nhận được nồng độ ô nhiễm khá cao. Cơ quan chức năng phải sớm có những nghiên cứu và có giải pháp cụ thể để bảo đảm sức khỏe cho người lao động và người dân sử dụng dịch vụ đỗ xe trong các khu vực này.
Bãi đỗ xe ngầm cũng không phải là giải pháp tiết kiệm không gian như chúng ta vẫn thường nghĩ. Toàn bộ không gian mặt đất, trên cao và ngầm đều là tài sản quốc gia và cần phải được sử dụng một cách tối ưu nhất. Trong một đô thị hiện đại, có nhiều công trình khác cần sử dụng không gian ngầm, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị như: Cấp điện, cấp nước, thoát nước, hệ thống đường sắt đô thị… đòi hỏi nhiều không gian ngầm có nhiều tính năng còn quan trọng hơn đỗ xe.
Hà Nội, TP HCM đâu thiếu đất
Có ý kiến cho rằng Hà Nội hoàn toàn không cần bãi xe ngầm vì gây lãng phí và nhiều hệ lụy. Quan điểm của ông thế nào về điều này?
Bãi đỗ xe trên mặt đất là mô hình rất phổ biến tại châu Âu và hoạt động rất hiệu quả. Hà Nội và TP HCM hoàn toàn không thiếu đất, vì mật độ dân cư của hai thành phố này chỉ ở mức 2.500 - 4.000 người/km2, trong khi Singapore, Hong Kong ở mức 7.000 - 8.000 người/km2.
Tuy nhiên, do quy hoạch phân bố dân cư tại Hà Nội và TP HCM bất hợp lý nên có nhiều khu vực mật độ dân cư lên tới 40.000 người/km2. Nếu tính cả vãng lai có thể lên tới 60.000 người/km2 - thuộc loại cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, đất bỏ hoang hoặc dùng để sản xuất nông nghiệp còn quá nhiều.
Nếu hai bên đại lộ Thăng Long, mỗi bên 5 km đầu tư đường ô bàn cờ với mật độ xây dựng hợp lý như trong khu phố cũ của Hà Nội mà người Pháp đã xây, hoàn toàn không cần bãi đỗ xe ngầm, thậm chí giải quyết được rất nhiều vấn đề ùn tắc của Hà Nội.
Theo ông, Hà Nội cần lựa chọn các vị trí xây bãi xe ngầm thế nào để đảm bảo hiệu quả và kết nối tốt với vận tải công cộng?
Để triển khai các bãi đỗ xe ngầm một cách hiệu quả, Hà Nội cần xây dựng quy hoạch không gian ngầm của đô thị để bảo đảm các bãi đỗ xe ngầm được triển khai ở những không gian phù hợp nhất. Đây là nội dung Chính phủ đã giao cho các thành phố lớn trong Nghị quyết 12 rất rõ ràng. Tránh tình trạng sau này vị trí tốt nhất cho một nhà ga tàu điện ngầm nhưng bị vướng một bãi đỗ xe ngầm, lúc đó chi phí xử lý vô cùng lớn.
Quá trình quy hoạch và đầu tư, cần bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống vận tải công cộng sức chứa lớn của thành phố, có nghĩa là liên thông giữa các bãi đỗ xe ngầm với các nhà ga tàu điện ngầm, các phương thức vận tải công cộng khác... để bảo đảm người dân có thể chuyển đổi một cách thuận tiện nhất, hỗ trợ cho quá trình sử dụng các phương thức vận tải công cộng và phi cơ giới bền vững. Đồng thời, tránh tình trạng đỗ xe xong phải đi vòng vèo lên mặt đất rồi lại chui xuống đất tới vài trăm mét mới tới ga tàu điện ngầm.
Các bãi đỗ xe ngầm ở Hà Nội và TP HCM hiện nay giống như những cốc nước mát lạnh đối với người đang khát trên sa mạc. Tuy vậy, nếu không triển khai hợp lý, các bãi đỗ xe ngầm có thể mọc lên ở khắp nơi. Và lúc đó, ngoài hậu quả về chi phí xã hội lớn, còn có thể tạo ra một vòng lặp luẩn quẩn: Có chỗ đỗ xe - người dân mua xe cá nhân và sử dụng nhiều hơn - ùn tắc giao thông và tiếp tục thiếu chỗ đỗ xe - lúc đó thành phố có tiếp tục xây bãi đỗ xe ngầm? Lúc đó, đề án phát triển vận tải công cộng cũng khó thành hiện thực và hệ lụy tất yếu là ùn tắc, ô nhiễm và TNGT sẽ gia tăng chóng mặt. Có lẽ đây là kịch bản mà chúng ta hoàn toàn không mong muốn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận