Vận tải vẫn "đóng cửa" vì địa phương chưa cho phép
Ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người dân từ phía Nam đã chạy xe máy về quê ở miền Trung và miền Bắc.
Trong khi đó, nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng vẫn đang tạm dừng khai thác để phòng, chống dịch. Xe khách liên tỉnh vẫn dừng hoạt động thời gian dài, các hãng hàng không dừng khai thác, các đoàn tàu chở khách thường lệ vẫn phải dừng chạy.
Dòng người chạy xe máy trong mưa, trước khi đi vào hầm Hải Vân (Đà Nẵng) đêm 6/10 - Ảnh internet
Thời gian qua, một số địa phương thực hiện các chuyến bay, chuyến tàu, xe khách đưa công dân từ các tỉnh phía Nam về quê. Tuy nhiên, những chuyến đi này phần lớn có chi phí do nhà hảo tâm, hội đồng hương, doanh nghiệp ở những tỉnh có điều kiện kinh tế hỗ trợ để đón những người thuộc diện ưu tiên như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ về quê.
Số lượng các chuyến bay, tàu khách đón công dân như trên cũng không nhiều. Và muốn thực hiện phải trình qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chấp thuận, phê duyệt.
Nhiều ý kiến cho rằng, máy bay, tàu hỏa, xe khách đang nằm một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là nghịch lý. Hình ảnh hàng nghìn người dân phải chạy xe máy đến hơn 2.000km để về quê những ngày qua khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, khi bùng phát dịch, nhiều địa phương đã tạm ngưng hoạt động vận tải khách cố định nên người dân phải tự lo phương tiện để về quê.
Bất cập hiện nay là dù đã nới lỏng giãn cách, nhưng các địa phương vẫn chưa cho phép vận tải khách liên tỉnh hoạt động trở lại. Một số tỉnh phía Nam đã bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức vận tải khách trở lại nhưng chưa thống nhất kế hoạch, chưa triển khai được. Ngay cả Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 nhưng vẫn đóng cửa đối với vận tải khách.
"Địa phương cho phép thì vận tải mới được hoạt động trở lại. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân không có phương tiện vận tải để di chuyển", ông Quyền nói.
Đối với lĩnh vực Đường sắt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), khẳng định: "Đường sắt sẵn sàng chuyên chở người dân về quê".
Theo ông Minh, mỗi ngày, ngành Đường sắt có thể chạy 20 đoàn tàu trên tuyến, vận chuyển khoảng 10.000 khách. Vận chuyển bằng đường sắt an toàn cho người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, tàu có thể chở cả người và xe máy.
"Song tàu chở khách đến đâu phải được địa phương đó đồng ý cho dừng đỗ và tỉnh phải có biện pháp đón khách, cách ly. Ngành đường sắt không thể tự đưa khách về các tỉnh mà không có sự đồng ý của địa phương", ông Minh bày tỏ và cho biết, thời gian qua, đường sắt đã tổ chức một số chuyến tàu đưa người dân từ phía Nam về các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình theo đề nghị của địa phương.
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), vẫn còn nhiều địa phương có tâm ý lo ngại khi mở hoạt động vận tải sẽ bùng dịch trở lại và sợ chịu trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT cũng đã hướng dẫn rõ. Các địa phương vận dụng các chỉ đạo để mở lại hoạt động vận tải. Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đã quy định rõ các nguyên tắc. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng vẫn là của địa phương có mở lại hoạt động vận tải hay không.
Cần sớm mở lại vận tải để phục hồi kinh tế
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT yêu cầu những vùng có nguy cơ dịch rất cao chưa được tổ chức vận tải khách. Quy định tại các địa phương có nguy cơ cao không được vận chuyển khách tuyến cố định là không phù hợp và nên sửa lại, vẫn cho phép hoạt động, hành khách phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
"Vận tải khách đang từng ngày mong được hoạt động trở lại, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, phục vụ nhân dân. Không chỉ là vấn đề đi lại, vận tải hoạt động trở lại còn giúp các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế có nguồn lao động phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế", ông Quyền nói.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay đã yêu cầu các Sở GTVT địa phương xem xét, nếu khu vực nào có thể hoạt động trở lại có thể thống nhất với các Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương tổ chức, quản lý vận tải hành khách để tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, trên cơ sở hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, các Sở GTVT cần xây dựng kế hoạch chi tiết và thống nhất với các sở GTVT trình UBND tỉnh quyết định. Các địa phương/vùng ở cấp độ 1, cấp độ 2 tương đương với Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 phải tổ chức lại vận tải, không thể cấm như hiện nay.
Với hàng không, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Mở lại các chuyến bay cần điều kiện gì?" ngày 8/10, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không VN cho rằng, Sau khi các tỉnh dỡ bỏ Chỉ thị 16 chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 và 15+, người dân được di chuyển thuận lợi hơn. Nếu GTVT đóng cửa, buộc họ phải tự lo.
"Cấm xe máy thì người ta đi bộ, đấy là thực tế. Xe máy đi được thì người ta đi xe máy. Rất nhiều người dân đi tới hơn 2.000 km để ra Bắc. Không mở cửa giao thông, mọi người sẽ tự đi. Quốc lộ bị chặn, họ sẽ đi vòng, đi lối tắt, qua đồng, qua ruộng", ông Cường bày tỏ.
Cho nên, theo ông Cường, việc mở cửa lại là cấp thiết. DN cũng đang rất mong chờ. Người kẹt lại ở các địa phương cũng vậy. Do đó, cần sớm mở lại các đường bay nội địa, trong đó cần tính đến biện pháp sàng lọc để có thể kịp thời phát hiện hoặc ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh.
Mới đây, Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu các Sở GTVT chủ động phối hợp với Sở GTVT: TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An có phương án chuẩn bị đầy đủ phương tiện (xe ô tô khách, xe ô tô tải), lái xe luôn thường trực để kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển người dân, phương tiện cá nhân của người dân khi có yêu cầu hỗ trợ vận chuyển.
“Giám đốc Sở GTVT TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần nắm bắt tình hình thực tế người dân có nhu cầu về quê để có phương án chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lái xe; kể cả trường hợp khi có nhu cầu về quê của người dân tăng cao cần phải đảm bảo không thiếu phương tiện, lái xe”, Bộ GTVT yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận