Chuyện dọc đường

Sao lại kỳ thị họ?

20/03/2020, 07:05

Kỳ thị cả những người đang giúp xã hội bình yên, điều ấy sẽ lấy đi sức lực cuối cùng của những người trên tuyến đầu chống dịch.

img
Hãy dừng kỳ thị những người nước ngoài, những người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus. Hãy cùng nhau vượt qua khó khăn này. Minh họa: Trí Khang

L. năm nay 29 tuổi, tiếp viên của một hãng hàng không bật khóc khi hết chuyến bay không thể trở về nhà.

Chặng bay 16 tiếng đưa công dân Việt Nam từ châu Âu về nước hôm 15/3 hóa ra chưa kết thúc chuyến công tác cuối cùng của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines N.T.L trước khi “bầu trời đóng cửa” vì đại dịch.

Đến trưa cùng ngày, cô còn đang kẹt trong đống công việc cùng tổ tiếp viên. Hơn 20 tiếng chưa ăn gì, đang vướng víu trong bộ đồ bảo hộ phòng dịch thì nhận được tin nhắn của chủ cho thuê nhà.

“Em phải dọn đồ ra khỏi cửa trước đêm nay vì từ mai, tòa nhà có lệnh không cho tiếp viên hàng không thuê nhà nữa. Họ sợ các em nhiễm Covid-19”.

Mệt mỏi, bất lực, cô tiếp viên hàng không òa khóc. Trong gần 10 năm theo nghề, cô không bao giờ tưởng tượng được, có lúc bị xua đuổi trên chính đất nước mình mà không cần nhiều lời giải thích.

Giữa đại dịch, biểu hiện kỳ thị bỗng chốc phát tán nhanh và nguy hiểm như một hình thức biến chủng của Covid- 19, làm nhiễm đen tâm trí của rất nhiều người.

Tất cả do sự sợ hãi quá mức mà ra.

Ở châu Âu, sự kỳ thị dịch bệnh biểu hiện dưới dạng tránh xa, xịt nước khử trùng, đẩy người châu Á đeo khẩu trang xuống khỏi tàu điện ngầm cùng nỗi sợ hãi lây bệnh.

Đọc những dòng tin ấy, dân châu Á, trong đó có người Việt, chắc cũng tức giận, phẫn nộ. Họ đã bị oan khi đang cố bảo vệ chính mình và người khác. Điều này khác hẳn cảm giác bị coi thường khi nghẹn đọc dòng chữ “Siêu thị (nhà hàng) không phục vụ khách Việt Nam” ở nước ngoài trước kia.

Nay, con virus biến chủng có tên “kỳ thị” lại đang phát tán rất nhanh.

Vài tuần trước, Việt Nam vẫn quảng bá là điểm đến an toàn, ngành Du lịch vẫn đón khách châu Âu với nhiều hy vọng. Du lịch vẫn là điểm sáng của nền kinh tế đang gánh chịu cú sốc từ đại dịch.

Nhưng khi các ca nhiễm bệnh ở Italia, Anh tăng vọt, khách châu Âu bị xua đuổi ngay trên mảnh đất hiếu khách này. Một số hàng quán ở Hà Nội và nhiều địa phương từ chối người nước ngoài ngay từ cửa vì sợ lây bệnh. Không bán hàng cũng là bình thường nhưng xua đuổi theo cách dùng cây kẹp thịt ở quán bún chả chỉ thẳng vào mặt khách, sẽ là cảm giác mà cả những người chứng kiến cũng không thể nuốt trôi.

Kỳ thị khách nước ngoài thôi chưa đủ. Người ta quay ra kỳ thị cả người bị cách ly, những người phải đi làm việc ở các vùng dịch, không cần biết họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo an toàn thế nào, kể cả chấp nhận nhịn đói, nhịn khát.

Các bác sỹ đi làm việc ở các khu có dịch, không được về, hàng xóm vẫn dò xét những người thân của họ ở nhà.

Nhưng kinh khủng nhất là văn bản yêu cầu ngay lập tức chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà đối với các tiếp viên Vietnam Airlines và hướng dẫn viên du lịch kể từ hôm 17/3 từ Ban quản lý một khu chung cư Hà Nội.

Các tiếp viên và hướng dẫn viên nhiều nơi đã xin làm việc không lương, lo giải cứu hành khách nước ngoài về nước, lo đón người Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về. Dịch bệnh đã khiến họ đối diện nguy hiểm, không màng đến vật chất nhưng chính họ bị xua đuổi, không chốn nương thân.

Cho dù sau đó, Ban quản lý tòa nhà đã phải rút lại văn bản và xin lỗi những người có liên quan. Nhưng rất nhiều bạn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, hãng duy nhất đến thời điểm này còn đưa hành khách vùng dịch trở về, đã phải gạt nước mắt tìm một chỗ qua đêm hôm ấy.

Chủ động phòng dịch là cần thiết. Nhưng không thể chủ động bằng mọi giá mà quên đi chữ tình người trong lúc khó khăn.

Kỳ thị cả những người đang giúp xã hội bình yên, điều ấy sẽ lấy đi sức lực cuối cùng của những người trên tuyến đầu chống dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.