1. Mấy ngày đầu tháng 9, con gái tôi háo hức mặc đi, mặc lại rồi đứng không rời mắt trước gương trong chiếc áo dài mẹ cháu mới may cho. Năm nay cháu vào lớp 10, đã thành thiếu nữ, và ngày khai giảng năm nay cũng là lần đầu tiên trong đời cháu được khoác chiếc áo dài nữ sinh truyền thống đến trường.
Nhưng rồi tin dự báo thời tiết cho hay, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng tới miền Trung, khả năng gây mưa lụt, khiến cháu buồn lắm. Nó nói: “Thầy bảo, nếu mưa to, sẽ tổ chức khai giảng trong nhà, các em không cần phải mặc áo dài, và sẽ lựa chọn 1/3 số bạn trong lớp đi dự khai giảng vì hội trường chật hẹp”.
Rất may, hôm đó ở Huế đẹp trời, con gái đã gửi cho tôi những tấm hình cháu diện áo dài trước sân trường với nụ cười rạng rỡ, ngay sau khi cháu khi vừa dự xong lễ khai giảng.
Nhưng không phải nơi đâu các em học sinh cũng được may mắn có được niềm vui ngày khai giảng giống như con gái tôi.
Tại trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đúng hôm khai giảng, cảnh tượng từng tốp giáo viên, học sinh xắn quần, cầm ô, mang áo mưa lội nước di chuyển vào trường để dự lễ khiến nhiều người không khỏi ái ngại.
Tuy nhiên, do diện tích hội trường chật hẹp nên cũng chỉ có 500/1.500 học sinh được tham dự.
Một học sinh lớp 11A1, Trường THPT Lý Tự Trọng cho hay, em là 1 trong 10 bạn may mắn nhất trong lớp vì được đến dự lễ khai giảng, còn 31 bạn khác dù rất muốn đến trường trong ngày lễ trọng đại này nhưng đành phải ở nhà để đảm bảo an toàn.
“Nhà em ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, ngập ít hơn nên mới đến trường dự lễ khai giảng được chứ các bạn ở những xã ngập sâu như Thạch Ngọc thì đành ở nhà chờ thông tin từ các bạn khác trong lớp”, học sinh này nói.
Vậy là niềm vui của nhiều em học sinh ngày đầu năm học mới tưởng như rất đỗi bình dị ấy lại không thể có được.
2. Ngày 5/9, khắp các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có đến hàng trăm trường học hoãn khai giảng. Còn ở Tây Nguyên, dù trời mưa tầm tã nhưng nhiều trường học vẫn tổ chức khai giảng nhưng không ở ngoài trời, chương trình được rút gọn các tiếp mục và hạn chế số lượng học sinh tham gia vì không gian hẹp.
Trước đó, hầu hết Sở Giáo dục và Đào tạo tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đều có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động phương án tổ chức lễ khai giảng. Đơn cử Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Trị chỉ đạo các trường phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức lễ khai giảng tại đơn vị, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu tình hình thời tiết bình thường, địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Trong trường hợp mưa kéo dài không thể tổ chức ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức. Trường hợp thời tiết trên địa bàn diễn biến xấu, có thể gây nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, địa bàn bị chia cắt do mưa lũ..., các trường chủ động dừng tổ chức lễ khai giảng, đồng thời báo cáo với phòng và sở để tổ chức lễ khai giảng vào thời điểm phù hợp.
Như vậy là ngành giáo dục giao toàn quyền cho các ban giám hiệu nhà trường quyết định việc có hay không tổ chức khai giảng vào đúng ngày 5/9. Và trên thực tế, có nhiều trường học vẫn cố gắng tổ chức cho xong, chứ không muốn hoãn.
Một thầy giáo tại Gia Lai chia sẻ: “Theo tôi, nếu thời tiết mưa không tổ chức khai giảng ngoài trời được thì nên hoãn, đừng cố tổ chức trong nhà và hạn chế học sinh tham dự lễ khai giảng. Các em sau kỳ nghỉ hè dài hạn nên rất háo hức đến trường, và buồn nhất là đối với các em đã chuẩn bị tập các tiết mục văn nghệ, tập luyện cả tuần để được trình diễn trong ngày khai giảng, nhưng bị hủy bỏ vì điều kiện thời tiết, trường tổ chức ngắn gọn giảm tiết mục”.
Quả thực, việc giao cho quyền tự quyết cho các trường là rất hợp lý. Tuy nhiên, có nhất thiết phải tổ chức đúng ngày 5/9 như nhiều trường vẫn làm, để rồi phần lớn các em học sinh không được tham dự? Những học sinh không được dự lễ khai giảng sẽ nghĩ gì, có tủi thân không khi nghĩ đến những bạn bè khác?
Hàng năm, dịp lễ khai giảng cũng đúng vào cao điểm mùa mưa bão nên hầu như năm nào lễ khai giảng tại các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cũng không được trọn vẹn như những nơi mà thời tiết ưu ái hơn.
Vậy nên chăng, không nhất thiết phải tổ chức lễ khai giảng vào đúng ngày 5/9, mà ngày nào tất cả các học sinh có thể đến trường trong điều kiện an toàn, thì đó sẽ là ngày khai giảng?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận