Cùng sử dụng công nghệ đào hầm TBM
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012 và đang trong quá trình thi công.
Tuyến metro này dài 19,7km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, 2,6km đi ngầm (có 3 ga ngầm) và hơn 17,1km trên cao (có 11 ga trên cao). Năm 2018, dự án đã hoàn thành khoan đường hầm của tuyến.
Để đào đường hầm, nhà thầu sử dụng máy khoan được chế tạo theo công nghệ Tunnel Boring Machine (dạng robot điều khiển giống máy khoan hình trụ nằm ngang), dài 70m, nặng 300 tấn, được sản xuất tại Nhật Bản và trị giá khoảng 4 triệu USD.
Kết cấu cơ bản của robot đào hầm này gồm ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu máy là bộ phận khiên đào có gắn các mũi cắt, động cơ làm quay tròn để cắt đất. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm (là các tấm bêtông cốt thép lắp ghép) sẽ được ghép đến đó để tránh sạt lở đất đá phía trên.
Dự án trên có điểm tương đồng với dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội), bởi đoạn tuyến gồm một phần đi trên cao và một đoạn đi ngầm. Cụ thể, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, đến nay đã thi công xong kết cấu đường đi trên cao, dự kiến thi công đào đường hầm vào năm 2021.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án sử dụng máy đào đường hầm được chế tạo theo công nghệ TBM, tương tự như dự án Bến Thành - Suối Tiên.
Chỉ có thể tận dụng các bộ phận phụ
Với đặc điểm giống nhau như trên, nhiều người đặt câu hỏi, liệu dự án Nhổn - ga Hà Nội có thể dùng lại máy đào hầm của dự án Bến Thành - Suối Tiên để đào 4km đường hầm, thay vì nhập khẩu máy mới?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ân, chuyên gia kỹ thuật đường sắt, cho biết, rất khó để tận dụng máy đào đường hầm của dự án Bến Thành - Suối Tiên để đào đường hầm dự án Nhổn - ga Hà Nội. Lý do là sau khi đào xong, khiên đào của máy sẽ bị hư hỏng, gãy nát, mất tác dụng nên không thể sử dụng tiếp.
“Bộ phận quan trọng nhất của máy đào TBM là khiên đào. Khiên đào được dùng để cắt, phá đất đá nên chỉ sử dụng được với khối lượng đào nhất định. Nếu tận dụng, chỉ có thể tận dụng các bộ phận phụ như: đường ống để vận chuyển đất đá, còn không thể tận dụng được toàn bộ máy đào”, ông Ân phân tích và cho biết thêm, các gói thầu đào đường hầm của dự án đường sắt đều mua máy đào hầm mới.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, máy đào hầm được dùng cho dự án Nhổn - ga Hà Nội có xuất xứ từ Đức, dự kiến được đưa về dự án vào quý IV/2020. Khiên của máy đào hầm rộng 6,3m để phù hợp với thiết kế đoạn đường ngầm của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận