Hồ Văn Cường cho biết mình bị người fan thân thiết liên kết với hacker tung tin nhắn lên facebook
Nhiều người nổi tiếng bị hack tài khoản mạng xã hội
Những đoạn trò chuyện giữa ca sĩ Hồ Văn Cường với một người quen bị kẻ lạ tung lên mạng gây xôn xao những ngày qua. Trong những đoạn chat, Hồ Văn Cường tâm sự mình muốn tách khỏi ca sĩ Phi Nhung, đồng thời tỏ thái độ bức xúc về chuyện sống chung.
Điều này khiến dư luận “dậy sóng” và ngày 10/6, Hồ Văn Cường cùng bố mẹ ruột của mình đã quay video xin lỗi Phi Nhung và khán giả. Theo Quán quân Vietnam Idol Kids 2016, đoạn tin nhắn này đã lâu và hiện tại, người khán giả nhắn tin với anh liên kết với một hacker để tung những đoạn tin nhắn này lên mạng.
Hồ Văn Cường không phải người nổi tiếng đầu tiên vướng rắc rối với hacker. Trên thực tế, nhiều ngôi sao cũng từng bị chiếm đoạt/đánh sập trang cá nhân như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hòa Minzy, diễn viên Khả Ngân, hoa hậu Đặng Thu Thảo…
Các trường hợp bị hack facebook đều có những diễn biến khác nhau. Ca sĩ Lương Gia Huy bị kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản fanpage rồi rao bán fanpage của nam ca sĩ. Sau đó, anh được người quen giỏi công nghệ lấy lại được fanpage và tìm ra được danh tính của tin tặc.
Cũng có trường hợp như Nam Thư từng bị hack facebook, sau đó hacker đòi cô 20 triệu đồng để chuộc lại facebook, nhưng nữ diễn viên quyết định bỏ và lập facebook khác. Hay diễn viên Quốc Trường bị hacker giả mạo, xâm nhập và lừa đảo tiền từ bạn bè anh.
Diễn viên Nam Thư từng bị hack facebook và bị đòi 20 triệu đồng để chuộc lại
Thậm chí, có trường hợp hacker xâm nhập tài khoản nhưng không đổi mật khẩu mà chỉ đánh cắp thông tin, sau đó bị tung những đoạn tin nhắn nhạy cảm lên mạng. Tiêu biểu chính là cầu thủ Quang Hải. Anh bị kẻ gian xâm nhập tài khoản Facebook, đánh cắp các nội dung riêng tư, nhạy cảm và phát tán lên mạng xã hội. Điều này khiến Quang Hải phải hứng hậu quả khá nặng nề, gây ảnh hưởng tới nhân phẩm, danh dự của anh.
Hacker có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín… là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 38 Bộ luật dân sự và các văn bản khác có liên quan.
Bí mật đời tư cá nhân, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
"Hiện nay, tình trạng người nổi tiếng bị hack tài khoản mạng xã hội đang diễn ra rất phổ biến. Các hacker có nhiều mục đích, động cơ để làm việc này. Có thể là tò mò về những thông tin cá nhân vì những người nổi tiếng là người được công chúng quan tâm và bất kỳ thông tin cá nhân nào của họ cũng đều được “săn đón” nhiệt tình.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)
Một động cơ khác là để đe dọa, đòi tiền chuộc… Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vi cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm", luật sư Cường khẳng định.
Anh cũng phân tích, Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.
Trong đó, nếu chỉ hack Facebook người khác chỉ bị phạt hành chính 10 triệu đồng. Nhưng nếu với mục đích xâm nhập thu thập thông tin, thay đổi, xóa bỏ thông tin… sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.
Trường hợp hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 3 năm tù giam nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng quyền hạn, làm nạn nhân tự sát…
Ngoài ra, hack facebook người khác dù chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính nhưng thu lợi bất chính có giá trị lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến uy tín của người khác; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác....vẫn có thể bị xử lý hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận