Cơ chế vận hành của hệ thống an toàn
Hãng xe hơi xuất xứ từ Thụy Điển Volvo cho biết, họ đang cố gắng chế tạo những chiếc xe giúp hạn chế các TNGT gây ra bởi tình trạng người cầm vô lăng lâm vào tình trạng say xỉn hoặc không thể kiểm soát tốc độ của phương tiện đang tham gia giao thông.
Theo đó, tất cả các phương tiện mới tung ra thị trường vào năm 2020 sẽ được lắp các thiết bị camera cảm biến trong cabin để phát hiện nếu tài xế có dấu hiệu vượt quá giới hạn nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện cơ giới bốn bánh. Công nghệ tiên tiến sẽ được trang bị trên tất cả các mẫu xe đa dụng (SUV) 7 chỗ như XC90 trước khi được bổ sung cho những mẫu xe nhỏ hơn.
Nếu tình trạng có nồng độ cồn phát ra từ tài xế được cảm biến phát hiện, chiếc xe sẽ tự động giảm tốc độ trước khi được kết nối tới trung tâm cuộc gọi của Volvo, nơi các thành viên dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ đàm thoại trực tiếp để cảnh báo tài xế và tiếp quyền điều khiển chiếc xe nếu cần thiết.
Chiếc xe thậm chí có thể tự động lái, đỗ vào lề đường và dừng hoạt động nếu người lái không phản hồi các cuộc gọi từ trung tâm chăm sóc khách hàng. Các tính năng an toàn mới này được cho là một phần trong nỗ lực của Volvo giúp giảm thiếu tối đa các vụ tai nạn do tài xế say xỉn gây ra.
Vậy các thiết bị mới sẽ hoạt động như thế nào? Cụ thể, các cảm biến được lắp đặt trong xe sẽ theo dõi những thay đổi trong chuyển động vật lý của cả người lái và xe để xác định xem có cần can thiệp vào việc điều khiển xe hay không.
Camera lắp trong xe sẽ tập trung vào mắt người lái xe để tìm kiếm những thay đổi như độ co giãn của đồng tử, trong khi các cảm biến trên vô lăng có thể đo mức độ phản ứng của người ngồi sau tay lái. Ngoài ra, các cảm biến khác được trang bị trên xe sẽ xác định xem liệu chiếc xe có đang di chuyển thất thường hay không.
Điều này cũng có nghĩa là hệ thống lái xe tự động sẽ can thiệp nếu các tài xế có các biểu hiện của người say xỉn, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra các vụ tai nạn đường bộ kinh hoàng tại nhiều nơi.
Hệ thống can thiệp được thiết lập chia làm 2 giai đoạn, để ngăn chặn nguy cơ lái xe nguy hiểm. Nếu phát hiện các lo ngại về an toàn, trước tiên, chiếc xe sẽ đưa ra cảnh báo cho tài xế và nếu không có gì thay đổi thì phương tiện sẽ chạy tự động được hãm tốc trong khi gửi thông tin cảnh báo khẩn cấp cho trung tâm hỗ trợ của Volvo.
Biện pháp can thiệp nữa cũng được tích hợp trên xe tự lái bao gồm đưa xe vào lề đường và dừng khẩn cấp. Chiếc xe cũng sẽ tự động can thiệp tương tự nếu các tài xế tỏ ra quá mệt mỏi hoặc mất tập trung vì kiểm tra điện thoại di động, một nguyên nhân khác gián tiếp gây ra TNGT.
An toàn thay cho tốc độ
Volvo từ lâu đã nổi tiếng là một trong những hãng sản xuất xe ô tô an toàn nhất thế giới khi là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu dây an toàn 3 điểm cố định vào năm 1959.
Nhà sản xuất xe ô tô này cũng có kế hoạch giới thiệu phần mềm Care Key, cho phép người mua tự đặt giới hạn tốc độ cho bản thân mình hoặc cài đặt giới hạn tốc độ trước khi cho những người lái xe trẻ tuổi hoặc thiếu kinh nghiệm mượn xe.
Hãng xe cho biết, Care Key sẽ được thiết lập cho tất cả các xe Volvo từ năm 2021. Giám đốc điều hành của Volvo, ông Hakan Samuelsson cho biết, đã thảo luận với các công ty bảo hiểm để đưa ra các điều khoản có lợi cho những khách hàng sử dụng các tính năng an toàn mới.
“Nếu chúng ta có thể khuyến khích và hỗ trợ cải thiện hành vi nhờ công nghệ, giúp lái xe tránh khỏi những rắc rối đáng tiếc, thì điều đó cũng sẽ có tác động tích cực đến phí bảo hiểm”, ông Samuelsson nói với Dailymail.
Thông tin này được đưa ra sau khi Volvo cho biết, hồi tháng 2 rằng họ sẽ đưa ra giới hạn tốc độ 180km/h cho tất cả các xe mới sản xuất.
Ông Samuelsson cũng thừa nhận rằng, tính năng an toàn mới có thể không làm hài lòng các khách hàng yêu thích lái xe tốc độ cao, nhưng sẽ thuyết phục được các bậc phụ huynh muốn một chiếc xe an toàn.
Mỹ nghiên cứu cảm biến phát hiện nồng độ cồn trên ô tô
Dự án nghiên cứu hệ thống phát hiện nồng độ cồn (DADSS) đang được Hiệp hội ATGT đường bộ Mỹ (ACTS), đại diện các hãng ôtô hàng đầu thế giới và Cơ quan ATGT Cao tốc Quốc gia Mỹ hợp tác phát triển.
Theo ông Bud Zaouk, Giám đốc DADSS, các nhà nghiên cứu đang phát triển với 2 cách tiếp cận tiên tiến: Đo nồng độ cồn từ hơi thở người lái xe thông qua cảm biến được gắn tại khu vực bánh lái ô tô; Đo nồng độ cồn trong máu dưới bề mặt da nhờ tích hợp công nghệ cảm ứng và máy quét tia hồng ngoại (NIR) tại nút khởi động xe.
Dự án bắt đầu vào năm 2008, được thúc đẩy bởi thực tế là tình trạng tử vong trong các vụ tai nạn do lái xe say rượu gây ra ở Mỹ ngày càng tăng cao, lên tới 10.000 người/năm.
Hiện, các công trình nghiên cứu mới được công bố dưới dạng ý tưởng và công nghệ của DADSS dự kiến được áp dụng trong thực tế vào năm 2020 hoặc muộn nhất là 2023. Khi được hoàn thiện, công nghệ mới này sẽ được cung cấp như một lựa chọn an toàn, tương tự phanh tự động, cảnh báo chệch làn đường và các công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến khác.
Ngọc Linh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận