Ngân hàng Nhà nước có thông báo đấu thầu vàng miếng SJC gửi các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia.
Thông báo nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là một lô tương đương 100 lượng.
NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do đơn vị này công bố.
Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian tổ chức đấu thầu vào lúc 10h sáng 22/4. NHNN sẽ gửi thông báo trước một ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 giờ sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Như vậy sau 11 năm, NHNN quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013.
Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Tại họp báo quý I/2024 diễn ra sáng 19/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cũng thông tin công tác đấu thầu sẽ tiến hành trong ngày 22/4.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, cho biết NHNN đã lấy ý kiến của các bộ ngành và trình lên Thủ tướng về chủ trương sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Thời gian qua, các chuyên gia, nhà kinh tế cũng đã đánh giá tích cực vai trò của Nghị định trong việc chống vàng hóa kinh tế nhưng cũng đã đến lúc cần xem lại sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, NHNN cũng xem xét đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vàng trang sức.
Theo ông Tuấn, trong Nghị định 24 hiện nay, NHNN cũng đã thực hiện việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tại các chi nhánh của NHNN đối với những doanh nghiệp có hợp đồng gia công với nước ngoài, không có khó khăn, vướng mắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận