Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp |
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp sơ kết hoạt động Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương quý I diễn ra vào chiều nay (19/4).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc điều hành kế hoạch năm 2018 còn nhiều vấn đề tồn tại từ giao vốn, chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, giải ngân. “Qúy I, Tổng cục Đường bộ VN được bố trí trên 3.000 tỷ nhưng mới giải ngân được gần 2000 tỷ, rõ ràng quá yếu kém. Nếu quý II vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng này, liên quan đến vốn Trung ương chậm, Tổng cục phải chịu trách nhiệm, địa phương nào chậm, địa phương đó chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, năm nay khả năng lớn sẽ vượt thu, bình quân sẽ tăng khoảng 25%. Số tiền vượt thu này, cần váo cáo Chính phủ theo hướng do nhu cầu vốn chưa đáp ứng yêu cầu và xin cộng vào nguồn vốn năm 2019 để bảo trì đường bộ tốt hơn.
Liên quan đến việc xây dựng đề án nhu cầu vốn Bảo trì đường bộ, Bộ trưởng cho rằng đây là việc làm cần thiết nên phải thực hiện nghiêm túc. Hiện cả nước có 146 quốc lộ, trên 23.000 km, việc xây dựng đề án phải đi từ một quốc lộ cụ thể, phải lập kế hoạch chi tiết, chia theo từng giai đoạn để có khái toán nguồn vốn và ra nhu cầu vốn bảo trì cho từng năm.
“Đề án phải bám sát thực tiễn cung cấp bức tranh tổng thể về bảo trì. Đối với đường địa phương cũng phải lập đề án trên hệ thống đường địa phương. Nếu không làm việc này, việc bố trí tiền bảo trì sẽ rất khó khăn. Đề án này phảo báo cáo Chính phủ vào tháng 6 này”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến tổ chức của Hội đồng quỹ, Bộ trưởng yêu cầu có văn bản gửi Bộ Tài chính theo hai hướng là thống nhất với đề xuất của Bộ tài chính là “giải tán” Hội đồng Quỹ hoặc thay đổi chức năng là Hội đồng chỉ giám sát việc tổ chức thực hiện của Qũy. Sau khi Thủ tướng đồng ý sẽ phải điều chỉnh lại Nghị định 18 về tổ chức hoạt động của Qũy và Qũy khi đó sẽ vận hành theo cơ chế mới. Đối với Văn phòng Quỹ, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức, Vụ Tài chính tham mưu, đề xuất theo hướng gộp vào vụ Tài chính và có cơ chế vận hành phù hợp.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, đây là năm chuyển tiếp trong quản lý Qũy, giữa quy chế hoạt động Qũy hiện nay với quy chế mới theo Luật Ngân còn nhiều vấn đề cần giải quyết. “Sau khi Qũy được hòa vào ngân sách và phân bổ theo ngân sách, phải làm sao để thực hiện nhanh gọn, dễ dàng và quản lý tốt nhất”, Thứ trưởng Thọ nói và đề xuất: “Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính là bỏ Hội đồng quỹ. Đối với Văn phòng quỹ cần tính toán theo hướng chuyển về Tổng cục Đường bộ VN hoặc vào Vụ Tài chính (Bộ GTVT) với chức năng nhiệm vụ khác so với hiện nay và hiệu quả hơn”.
“Luật GTĐB năm 2008 quy định phải có Qũy Bảo trì đường bộ, đến năm 2013 quỹ được thành lập và chức năng nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 18. Tuy nhiên, đến nay khi Luật Ngân sách có hiệu lực và cách thức cấp vốn như hiện nay tuy Qũy vẫn còn nhưng chức năng nhiệm vụ thì không như trước đây nữa. Có thể xin Thủ tướng sửa Nghị định 18 theo hướng không cần Hội đồng nhưng vẫn tồn tại Qũy. Nếu còn tồn tại chỉ thêm khâu trung gian, rất phức tạp”, Thứ trưởng Thọ nói.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, tính đến ngày 31/3 nguồn thu Qũy đạt trên 1.800 tỷ đồng bằng 121%. So với cùng kỳ năm 2017 và đạt trên 28% kế hoạch thu cả năm 2018. Trung bình 1 ngày thu trên 28 tỷ đồng.
Về công tác giải ngân, ông Minh cho biết, Hội đồng đã giao toàn bộ kinh phí cho các đơn vị sử dụng theo đúng tỷ lệ vốn giao đợt I/2018, đạt tỷ lệ 100% vốn giao từ Bộ Tài chính và bằng 25% dự toán giao của năm 2018. Hiện các đơn vị đã giải ngân được trên 1.400 tỷ đồng, đạt khoảng 70% vốn được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận