Hiện trường vụ sập giàn giáo tại Formosa. Ảnh: Tuấn Anh |
Trước khi đổ sập, giàn giáo nặng hàng chục tấn đã nhiều lần gặp sự cố. Tuy nhiên, phía nhà thầu và đội ngũ kỹ sư chỉ huy công trường tới kiểm tra và cho rằng giàn giáo vẫn an toàn, đồng thời yêu cầu công nhân tiếp tục trở lại làm việc và hậu quả đau lòng xảy ra.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 20h ngày 25/3 tại dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Trong lúc công nhân đang làm việc thì bất ngờ giàn giáo cao hàng chục mét đổ sập xuống, khiến 41 người bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Ép công nhân làm việc dù có sự cố
Ngày 26/3, tại Khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù bị gãy chân, cơ thể đau nhức nhất là phần đầu, nhưng anh Phan Anh Dũng (SN 1992, Bố Trạch, Quảng Bình), một trong số các công nhân bị thương vẫn còn đủ tỉnh táo để kể lại sự việc: “Em vào làm ở Formosa được gần 6 tháng. Tối 25/3, em cùng khoảng 50 - 60 công nhân đang tham gia buộc sắt trên giàn giáo. Vị trí em làm việc cách mặt đất chừng 15m. Đang làm việc thì nghe thấy tiếng "rầm", mọi người sợ quá rục rịch đi xuống. Một lúc sau thấy không có vấn đề mọi người lại quay lại làm việc. Sau đó thì toàn bộ giàn giáo dưới chân em rung chuyển, rồi đổ sập”.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (Điều 285 Bộ Luật hình sự) |
Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, các bác sĩ ở đây cho biết, hầu hết các bệnh nhân bị thương nặng đều đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Gặp các công nhân đang điều trị ở đây, PV tiếp tục được nghe những tiết lộ “sốc” về vụ việc sập giàn giáo trên công trường Formosa. Anh Lê Văn Thái (ở Diễn Châu, Nghệ An), tổ trưởng tổ sắt của nhóm công nhân thi công tại giàn giáo bị sập cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, giàn giáo ở đây đã có vấn đề: “Tối 25/3, giàn lưới sắt trong khu vực các công nhân đang thi công đã bị trượt xuống. Trước đây giàn lưới sắt này cũng đã bị trượt vài lần nhưng lần này có vẻ nguy hiểm hơn nên các công nhân ngừng làm việc, leo xuống và báo cho ông giám sát công trình người Hàn Quốc, tên là Kim, đến để kiểm tra”.
Theo anh Thái, sau khi kiểm tra, ông Kim và một người Hàn Quốc khác làm nhiệm vụ giám sát công trình đã yêu cầu công nhân tiếp tục leo lên giàn giáo làm việc vì cho rằng mọi thứ không có vấn đề gì.
“Tuy các công nhân không đồng ý nhưng do hai giám sát này đã chỉ đạo nên họ lại phải leo lên giàn giáo tiếp tục làm việc”, anh Thái kể lại.
Khi các công nhân quay lại làm việc được chừng 25 - 30 phút thì nghe tiếng “sầm” rất lớn vang lên cùng lúc cả hệ giàn giáo đổ sập xuống. “Em bị rơi tự do, rồi lọt ngay chính giữa đống sắt, thấy máu chảy, người đau, nhưng theo phản xạ cứ bới sắt bò ra. Bò ra ngoài nhìn lại, thấy phía sau có rất nhiều người mắc kẹt, người lẫn sắt, sắt lẫn người, trông khủng khiếp lắm”, anh Nguyễn Văn Linh (SN 1992, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thuật lại giây phút kinh hoàng.
Ngoài ra theo anh Linh và một số công nhân đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Huyện Kỳ Anh thì tất cả người bị nạn đều là người Việt Nam, không có bất cứ người nước ngoài nào.
Hệ thống thủy lực không đảm bảo an toàn
Chiều 26/3, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và ông Võ Kim Cự, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt ở hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Bộ trưởng Dũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Xây dựng thành lập ngay đoàn điều tra liên ngành để làm rõ nguyên nhân sập giàn giáo, trong đó lưu ý kiểm tra một số nội dung như: quy trình thi công lắp dựng và hạ giàn giáo, đối chiếu so sánh với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác liên quan. Mặt khác, tiến hành rà soát điều kiện năng lực, công tác quản lý an toàn thi công xây dựng của các nhà thầu trực tiếp thi công.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Ngay trong ngày, các điều tra viên đã đến bệnh viện, tiếp cận các nạn nhân lấy lời khai để điều tra vụ tai nạn.
Cuối giờ chiều ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương 41 người tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó xác định do sự cố má phanh ở hệ thống thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê tông (cao 25m, dài 40m và rộng 35m) bị sập, trong khi có khoảng 50 công nhân đang làm việc. Nhà thầu thi công là Công ty Samsung C&T Hàn Quốc, nhà thầu phụ là Công ty CP Xây dựng và cung ứng lao động quốc tế NIBELC.
13 người chết, 28 người bị thương 20h tối 25/3: Giàn giáo sập sau khi gặp sự cố trước đó không lâu, vùi lấp hàng chục công nhân đang thi công 3h sáng 26/3: Lực lượng cứu hộ tìm thấy 10 thi thể công nhân mắc kẹt trong đống đổ nát, 28 công nhân khác bị thương được đưa đi cấp cứu. 6h sáng 26/3: Lực lượng cứu hộ đã tìm được thêm 2 thi thể nạn nhân. Đến khoảng 11h trưa, thi thể của anh Trần Công Minh (xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), nạn nhân cuối cùng trong vụ sập giàn giáo được đưa ra khỏi đống đổ nát. 16h chiều 26/3: Công tác tìm kiếm cứu nạn kết thúc. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, vụ tai nạn đã làm 13 người tử vong, 28 người bị thương. Đại diện Công ty Samsung C&T cho biết, sẽ có các hình thức và biện pháp hỗ trợ nạn nhân hợp tình, hợp lý nhất, hợp tác đầy đủ với chính quyền để điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn. Trong ngày 26/3, đại diện công ty đã hỗ trợ tiền mai táng cho mỗi gia đình người tử nạn 30 triệu đồng, người bị thương 10 triệu đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận