Đường bộ

Sắp khởi công đường vành đai phía Tây gần 4.000 tỷ đồng ở Cần Thơ

14/11/2022, 12:44

Người dân đồng thuận giao đất làm Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ dài 19,3km, đi qua 5 quận, huyện góp phần phát triển KT địa phương.

Dân đồng thuận giao đất làm dự án

Ngày 14/11, Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết, đang chuẩn bị tổ chức khởi công một số gói thầu thuộc Dự án đường Vành đai phía Tây TP (nối QL91 và 61C).

img

Sơ đồ hướng tuyến của dự án.

Trước đó, Sở GTVT TP Cần Thơ đã công bố thông báo mời thầu 3 gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án đường Vành đai phía Tây TP.

Cụ thể, đó là hồ sơ mời thầu gói thầu số 20 Thi công xây dựng cầu Ba Láng (bao gồm dự phòng phí) được phát hành từ ngày 27/9 đến 18/10/2022.

Đây là gói thầu lớn nhất của dự án, với giá dự toán được phê duyệt hơn 500 tỷ đồng. Gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng 1.080 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Bên cạnh đó là gói thầu số 16 Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km 03+000 - Km 06+080) (bao gồm dự phòng phí) có dự toán hơn 480 tỷ đồng.

Cuối cùng là gói thầu số 17 Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km 06+080 - Km 09+340) (bao gồm dự phòng phí) với dự toán hơn 470 tỷ đồng, cùng được phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 14/9 đến 5/10/2022.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã điều chỉnh, bổ sung, dự án có tổng mức đầu tư là 3.837 tỷ đồng (chi phí xây dựng là 2.684 tỷ đồng), triển khai trong giai đoạn 2021 - 2026, gồm 66 gói thầu.

Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ được UBND TP phê duyệt tháng 11/2021, có tổng chiều dài toàn tuyến 19,3km, đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền.

Điểm đầu của đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ giao QL91 (Km 20+370, gần cầu Ô Môn) và giao ĐT922, điểm cuối giao QL61C (Km 1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (trong đó phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế từ 50 - 60 km/giờ.

Toàn tuyến có 25 cây cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài gần 518 mét; 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.

Dự án có tổng số hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Ô Môn có gần 500 trường hợp, quận Bình Thủy có 396 trường hợp, huyện Phong Điền có 300 trường hợp và quận Cái Răng có 38 trường hợp bị ảnh hưởng.

img

Dự án đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến ĐT918, trong tương lai sẽ kết nối với Dự án đường Vành đai phía Tây, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ cho Cần Thơ.

Hiện Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương liên quan thực hiện các thủ tục đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo mặt bằng triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Phục (ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) cho biết: gia đình ông có 6.000m2 đất thì đã có hơn 5.000m2 bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dù vậy, khi dự án đi qua, ông Phục vẫn vui vẻ và đồng ý giao đất, vì ông tin tưởng rằng, trong tương lai, dự án sẽ mang đến sự phát triển trù phú, mạnh mẽ cho địa phương và các vùng lân cận.

Mở đường cho phát triển

Tại các cuộc họp có liên quan đến dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh cho biết, dự án có quy mô vốn rất lớn, là công trình quan trọng bậc nhất của TP trong nhiệm kỳ này.

Dự án này sẽ quyết định đến không gian phát triển mới của TP, thu hút đầu tư cũng như các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển của Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

img

Cắm mốc GPMB Dự án đường Vành đai phía Tây.

Theo ghi nhận của PV, hiện một tuyến giao thông quan trọng khác của Cần Thơ đang được triển khai thi công, đó là đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến ĐT918.

Đây là dự án giao thông trục ngang kết nối với các trục dọc tại 4 nút giao, gồm: điểm giao đường Cách Mạng Tháng Tám, điểm giao với đường Võ Văn Kiệt, điểm giao đường Nguyễn Văn Linh (thuộc QL91B) và điểm giao cuối nối vào ĐT918 ở chợ Phó Thọ (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).

Theo quy hoạch của TP, sau khi dự án hoàn thành, Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư thêm một tuyến đường mới nối từ ĐT918 đến đường Vành đai phía Tây. Từ đó, tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đấy phát triển TP.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết thêm, ngoài các dự án nêu trên, TP Cần Thơ đang chuẩn bị triển khai thêm 2 dự án giao thông trọng điểm là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai của TP với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ) và đường nối Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ giai đoạn II (quốc lộ 61C).

Hai dự án này đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ tham mưu UBND TP hoàn chỉnh báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để tranh thủ nguồn vốn ODA để triển khai đầu tư xây dựng.

Thời gian thực hiện: 2022-2026; tổng vốn đầu tư dự kiến 2.728 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa các địa phương.

Theo UBND TP Cần Thơ, Dự án đường Vành đai phía Tây được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng của TP, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL như QL91, QL61C và QL1A; kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và khắc phục ùn tắc giao thông cho TP.

Lễ khởi công lần này sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về công trình đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, phấn khởi và ủng hộ cao trong quá trình triển khai xây dựng công trình.

Đồng thời góp phần khích lệ, động viên cán bộ, công nhân viên các đơn vị tham gia quản lý, thiết kế, giám sát, thi công xây dựng công trình, nỗ lực phấn đấu, tích cực thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.