Liên quan đến vấn đề sáp nhập một số cảng vụ hàng hải (CVHH) từ ngày 1/10 tới đây, chiều nay (8/6), đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, sự thay đổi trong công tác sáp nhập chỉ là thay đổi cơ quan quản lý vùng nước cảng biển, quy trình thực hiện thủ tục hành chính cho tàu, thuyền vào, rời cảng biển của doanh nghiệp vận tải vẫn được giữ nguyên như hiện nay.
“Thủ tục hành chính không quy định cho từng cảng vụ mà quy định chung theo một khung. Doanh nghiệp vận tải biển sẽ không gặp bất cứ vấn đề phát sinh thủ tục nào khi thực hiện trên cổng thông tin một cửa Quốc gia hoặc tại trụ sở cảng vụ (đối với trường hợp làm thủ tục giấy như loại hình VR-SB) sau khi công tác sáp nhập của các cảng vụ hoàn tất”, đại diện này nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện CVHH TP Hồ Chí Minh và CVHH Thái Bình cũng khẳng định, sau sáp nhập, các đơn vị này sẽ tiến hành thay đổi một số thông tin liên quan đến đơn vị quản lý trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia để phù hợp với phạm vi vùng nước cảng biển mới được điều chỉnh. Trụ sở của các cảng vụ cũ như: CVHH Nam Định, CVHH Mỹ Tho,... vẫn được giữ nguyên làm đại diện ở địa phương để tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục.
Trước đó, trong tháng 4/2020, Bộ GTVT đã ban hành hàng loạt quyết định về việc tổ chức, sáp nhập hệ thống cảng vụ hàng hải trên cả nước từ ngày 1/10/2020.
Trong đó, khu vực hàng hải Ninh Cơ (thuộc CVHH Nam Định) được bổ sung vào phạm vi quản lý của CVHH Thái Bình; Bổ sung khu vực hàng hải Long An vào phạm vi quản lý của CVHH TP Hồ Chí Minh; Bổ sung khu vực hàng hải Tiền Giang, Bến Tre và khu vực hàng hải Vĩnh Long vào phạm vi quản lý của CVHH Đồng Tháp; Bổ sung khu vực hàng hải Năm Căn và khu vực hàng hải dầu khí ngoài khơi mỏ Sông Đốc (thuộc CVHH Cà Mau) vào phạm vi quản lý của CVHH Kiên Giang.
Với sự sắp xếp trên, số lượng CVHH trực thuộc Cục Hàng hải VN sẽ được rút ngắn từ 25 cảng vụ xuống còn 22 cảng vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận