Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021 |
Ngày 9/8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021.
Bộ máy ngày càng cồng kềnh
Đánh giá về thực trạng tổ chức đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.
Việc chia tách cũng đã gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia, tách không gian văn hóa - xã hội ở một số vùng, miền.
Đề án của Bộ Nội vụ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Sắp xếp cán bộ đôi dư không thể "vắt chanh bỏ vỏ"
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, có đủ cơ sở chính trị và pháp lý để xây dựng đề án này khi đã có nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị |
Theo Phó Thủ tướng, căn cứ 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và dân số sẽ có 16 đơn vị hành chính cấp huyện, 637 đơn vị cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí trên sẽ phải bắt buộc xem xét sắp xếp từ nay đến 2021. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, địa phương nào mở rộng thêm số lượng cấp huyện, xã phải sáp nhập thì cũng được khuyến khích.
Ông cho rằng, căn cứ diện tích, dân số chỉ là điều kiện ban đầu đưa ra xem xét. Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, do đó cần xem xét các yếu tố khác nữa để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc xem xét tuỳ theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương, không cơ học, máy móc.
Quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng phải đảm bảo kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi quản lý nhà nước nhưng bảo đảm an ninh chính trị. Do đó Bộ Nội vụ xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, không máy móc.
Liên quan vấn đề nhân sự, việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính đồng nghĩa sẽ có dôi dư số lượng cán bộ nhất định. Do đó, theo Phó Thủ tướng, cần nghiên cứu trong sắp xếp cán bộ cũng như có chính sách phù hợp.
“Cần có chế độ chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ” hay trọn gói một số tiền là xong. Với số nhân sự này có thể tiếp tục vận động người ta tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở” – Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý và nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện tốt để tạo sự đồng thuận cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận