FAA đánh giá hệ thống giám sát ATHK của Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu |
Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) vừa hoàn tất đợt rà soát kỹ thuật đối với việc tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không thế giới (ICAO) về giám sát an toàn hàng không (ATHK) của Cục Hàng không VN. Việc phê chuẩn năng lực giám sát ATHK mức 1 (CAT1) chính là tiêu chí tiên quyết cho việc thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ.
Tiến sát mốc phê chuẩn CAT1
8 lĩnh vực trọng yếu được FAA thực hiện trong đợt rà soát kỹ thuật diễn ra từ 16-20/10 vừa qua với Cục Hàng không VN gồm: Luật Hàng không dân dụng; Quy chế ATHK dân dụng; Hệ thống hàng không dân dụng và chức năng giám sát an toàn; Chất lượng và công tác huấn luyện đối với đội ngũ giám sát viên an toàn; Tài liệu hướng dẫn, công cụ và cung cấp thông tin trọng yếu về an toàn; Cấp phép nhân viên hàng không, phê chuẩn, ủy quyền và giám sát; Trách nhiệm giám sát an toàn và cuối cùng là áp dụng chế tài đối với các vi phạm.
Theo thông tin của Báo Giao thông, đoàn công tác rà soát kỹ thuật của FAA và Boeing đánh giá hệ thống giám sát ATHK của Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu. Cụ thể, chỉ có 16 khuyến cáo được phía Mỹ đưa ra trong lần này so với con số 47 khuyến cáo cần khắc phục trong đợt rà soát kỹ thuật cách đây 4 năm (năm 2013).
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, theo đánh giá của FAA, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn thực hiện của Việt Nam đã được thiết lập đầy đủ. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giám sát ATHK, cơ sở dữ liệu an toàn đã được cải thiện tốt. Công tác lập kế hoạch và quy trình thực hiện giám sát ATHK đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của ICAO và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, các hạn chế về nguồn nhân lực đối với giám sát viên bay (người lái tàu bay) bị khuyến cáo năm 2013 đã được khắc phục triệt để. Công tác huấn luyện đội ngũ giám sát viên an toàn đã tiến bộ vượt bậc, giảm 10 khuyến cáo so với năm 2013.
Được biết, 2 lĩnh vực được FAA khuyến cáo nhiều nhất trong đợt rà soát lần này là trách nhiệm giám sát an toàn và áp dụng chế tài đối với các vi phạm. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không VN, các khuyến cáo của FAA đều mang tính chất kỹ thuật cụ thể, không có lỗi hệ thống và có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Nếu không có gì thay đổi, Cục Hàng không VN sẽ phân tích từng khuyến cáo, chỉ ra nguyên nhân và xây dựng kế hoạch khắc phục chi tiết để thông báo cho FAA ngay trong tháng 11.
Có thể mở 2 đường bay đến Mỹ
Cục Hàng không VN cho biết, đợt kiểm tra của FAA để phân loại năng lực giám sát ATHK của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của ICAO. Việc phê chuẩn năng lực giám sát ATHK mức 1 (CAT1) chính là tiêu chí tiên quyết cho việc thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ.
Trên thực tế, với các nước như Anh hay Liên minh châu Âu (EU), để chấp thuận mở đường bay, nhà chức trách hàng không chỉ đánh giá năng lực của hãng hàng không muốn mở đường bay đến lãnh thổ của mình. Còn với Mỹ, để được bay đến đây, nhà chức trách hàng không của quốc gia đó phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của ICAO cũng như quy chế an toàn của FAA, cụ thể là phải được phê chuẩn CAT1. Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không VN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Năm 2003, Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Hàng không, cho phép các hãng hàng không của hai nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau hai năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa hai hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, mới chỉ có phía Mỹ hiện thực hóa hiệp định này bằng việc chỉ định hãng hàng không United Airlines mở đường bay thẳng San Fransisco - TP HCM, quá cảnh ở Hong Kong. Đường bay này sau đó đã đóng lại vào cuối năm 2016, nhiều khả năng do thị trường chưa như mong muốn. |
Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Vietnam Airlines, hãng này đã lên kế hoạch mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với hai địa điểm đang được cân nhắc gồm: Los Angeles hoặc San Fransisco. Với đội bay thế hệ mới A350 XWB và Boeing 787-9, trong hành trình, máy bay sẽ có 1 điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka (Nhật Bản). Tại điểm dừng này, máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn, thời gian tối đa khoảng 1 giờ và hành khách không phải xuống máy bay.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn chưa có xác nhận nào chính thức về việc mở đường bay đến Mỹ mà chỉ đơn thuần khẳng định “sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp nhất”.
Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng vận lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689.000 khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2016 đạt 8,4%/năm. Trong đó, lượng khách giữa Việt Nam - Los Angeles là lớn nhất với 137.000 lượt khách; Việt Nam - San Francisco lớn thứ 2, đạt hơn 90.000 khách/năm.
Trong trường hợp đường bay thẳng đến Mỹ được thiết lập, theo các chuyên gia, cái lợi lớn nhất với hành khách là tiết kiệm thời gian. Bay thẳng chắc chắn sẽ nhanh hơn, dịch vụ cung cấp trên máy bay sẽ phù hợp với đặc điểm và thói quen người Việt Nam hơn, tuy nhiên giá vé sẽ cao hơn. Còn nếu bay với nhiều điểm quá cảnh, khách mất thời gian nhiều hơn nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được chi phí vì có thể mua được loại vé tiết kiệm.
Thực tế, với các đường bay đến bờ Tây (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hong Kong hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức.
Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ. Tùy vào khả năng chi trả và thời gian cho phép, hành khách có thể chọn chuyến bay có mức giá khoảng 15 - 40 triệu đồng dựa trên thời điểm, hành trình và số điểm trung chuyển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận