Hạ tầng

Sắp thông xe, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn vướng mặt bằng

07/06/2017, 13:30

Ghi nhận của PV tại gói thầu số 4, hiện các hạng mục trên chính tuyến: Nền mặt đường, hệ thống dải phân cách...

18985166_1318445764936814_52675564_n

4 hầm chui, đường dẫn gói thầu số 4 (cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) vẫn vướng mặt bằng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại gói thầu số 4, hiện các hạng mục trên chính tuyến: Nền mặt đường, hệ thống dải phân cách, đảm bảo ATGT… được các nhà thầu cơ bản hoàn thiện. Riêng các vị trí đường gom, hầm chui, các nhà thầu đều làm cầm chừng vì vướng mặt bằng. Hàng loạt trang thiết bị máy móc “đắp chiếu” không thể thi công. Theo ông Phan Khánh Toàn, Giám đốc Điều hành gói thầu 4, có 4 điểm đường gom, hầm chui qua xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị vướng mặt bằng.

Ngoài 2 hầm chui phát sinh theo kiến nghị của người dân, ngay cả các hầm chui được thiết kế phê duyệt từ đầu triển khai dự án vẫn chưa được địa phương kiểm đếm, thông báo áp giá đền bù. Bà Nguyễn Thị Bốn (thôn Phú Nham Đông, Duy Xuyên), một trong số các hộ diện giải tỏa làm đường gom ra hầm chui cho biết, người dân đồng thuận với việc bàn giao mặt bằng cho dự án. Nhưng chỉ thấy một vài người của xã, huyện tới thông báo việc giải tỏa rồi đi, chứ không cho biết giải tỏa mức nào, giá cả ra sao?

Theo thống kê của VEC, Quảng Nam đang là địa phương có số “điểm nóng” tồn đọng vướng mắc mặt bằng nhiều nhất tuyến. Trong tổng số gần 30 điểm mặt bằng, Quảng Nam có đến 24 điểm. Trong đó, có 10 điểm vướng mặt bằng thuộc đường ngang, đường gom và đường nối vào ra nút giao trong phạm vi các gói thầu số 4, số 5, số 7 thuộc đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn JICA (Nhật Bản); 14 điểm vướng mắc mặt bằng trên tuyến chính, đường ngang, đường gom, trạm dịch vụ thuộc phạm vi các gói thầu A1, A2 sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB)...

“Vừa rồi gia đình tôi cùng con trai (anh Võ Ngọc Vương, hộ liền kề) sẵn sàng cho trồng trụ điện phục vụ dự án ngay tại vị trí sân trước nhà, dù chưa được đền bù”, bà Bốn nói.

Ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn thừa nhận, xã làm công tác địa chính cơ sở, việc áp giá, đo đạc đền bù do cấp huyện xử lý. Đến nay, mới chỉ có gần 30 hộ thuộc khu vực đường gom 2 hầm chui nhỏ đang áp giá đền bù, còn lại các hộ dân thuộc hai hầm chui lớn vẫn “chưa rõ phương án thế nào”.

Theo ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, huyện vừa chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Duy Xuyên đẩy nhanh việc kiểm đếm, áp giá đền bù cho dân, đồng thời xin cơ chế để sớm hoàn thiện việc GPMB tồn đọng cho dự án. “Việc chậm áp giá, GPMB do liên quan một số kiến nghị của người dân về hướng tuyến đường gom chưa được dự án thống nhất”, ông Bốn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Khai thác quỹ đất huyện Duy Xuyên cho biết: Từ nay đến ngày 15/6 tới, huyện sẽ tập trung GPMB 2 tuyến đường ngang dân sinh mới phát sinh. Huyện xin cơ chế áp giá đền bù GPMB (tạm tính) để chi trả trước 70% tiền bồi thường cho dân 2 bên tuyến đường; công bố kết quả xét bố trí tái định cư đối với các hộ ảnh hưởng...

GPMB2

GPMB3

Theo ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện dự án đã bổ sung thêm 4 hầm chui dân sinh nhưng khu vực xây dựng 4 hầm chui này chưa được GPMB, nếu hầm chui dân sinh không thi công được khó có thể vận hành đồng bộ tuyến cao tốc. Trong khi đó, dự án đang đặt mục tiêu cuối tháng 6/2017 sẽ thông xe đoạn tuyến JICA.

GPMB5

GPMB4

“Đến ngày 15/6, các địa phương phải tháo gỡ cơ bản 24 điểm vướng mắc GPMB, bàn giao công địa cho dự án. Những vị trí không bàn giao địa phương sẽ tiến hành bảo vệ thi công, cưỡng chế theo quy định”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo tại cuộc họp GPMB dự án mới đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.