Ngày 24/9, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 3 tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh sắp hoàn thành khi đã đạt 99,4%. Hiện chỉ còn 16 hộ ở 4 huyện chưa bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.
"Toàn tỉnh có 2.668 số hộ và tổ chức đã bàn giao mặt bằng, chỉ còn lại 16 hộ chưa nhận tiền bồi thường và 5 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý cho thi công", Sở GTVT Bình Thuận cho hay.
Thi công lao lắp dầm cầu thuộc gói thầu XL-01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào giữa tháng 8.
Liên quan vấn đề vật liệu đất đắp cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện có 22 mỏ với trữ lượng 9,25 triệu m3. Trong đó, 6 mỏ đang khai thác với trữ lượng 1,45 triệu m3. 5 mỏ đang hoàn chỉnh thủ tục cấp phép với trữ lượng 1,77 triệu m3. Ban QLDA 7 đã đề xuất bổ sung một số mỏ mới không qua đấu giá để kịp tiến độ thi công.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Tuấn Khoát - PGĐ Ban QLDA 7 cho biết, hiện địa phương đã nâng công suất (tối đa 50%) đối với 3/4 mỏ được đề xuất, một số mỏ còn lại đang hoàn thiện thủ tục trong tháng 9. Tháng 10 dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục 5 mỏ mới. Với các mỏ bổ sung theo Nghị quyết 60 theo lộ trình sẽ được cấp phép vào đầu năm 2021.
Theo Sở TN&MT hiện Sở này đang hoàn tất thủ tục cấp phép đối với 3 mỏ, dự kiến trong quý 4/2021 sẽ đưa vào khai thác. Đối với 10 mỏ được Ban QLDA 7 đề xuất bổ sung cấp mới không qua đấu giá theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 60 (khối lượng khoảng 6,0 triệu m3). Qua làm việc Sở TN&MT đã thống nhất với Ban QLDA 7 về lộ trình hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác trong quý 1/2022.
Thi công gói thầu XL-02 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, sau hội nghị trực tuyến ngày 30/6 do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, UBND tỉnh Bình Thuận đã tích cực tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ di dời công trình hạ tầng đường điện còn chậm...
Đối với vật liệu san lấp tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, theo thiết kế sử dụng 5 mỏ đất (đã quy hoạch) cung ứng cho dự án. Hiện Ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu đang phối hợp làm việc, đề nghị địa phương cấp phép khai thác để bổ sung đất đắp thi công. Các nhà thầu cũng chủ động tìm kiếm và sử dụng thêm 2 mỏ ở xa công trường. Qua khảo sát trữ lượng và chất lượng 2 mỏ nêu trên đáp ứng được yêu cầu thi công, nguồn đất đắp tại hai gói thầu cơ bản được giải quyết.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, Ban QLDA, các nhà thầu, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu lãnh đạo các địa phương liên quan cam kết thời gian giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Sớm tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng; phối hợp chặt với các ban QLDA của Bộ GTVT, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ của dự án, không để kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Cùng đó, ông Lê Tuấn Phong yêu cầu các huyện đẩy nhanh công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, chậm nhất đến 15/10 phải giải quyết dứt điểm. Đối với việc cấp phép các mỏ, cố gắng trong tháng 1/2022 hoàn tất thủ tục để đưa vào khai thác.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 101km đi qua 5 huyện của tỉnh Bình Thuận. Trong khi đó, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đoạn qua Bình Thuận dài 47,67km. Cả hai dự án đều được khởi công vào cuối tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận