Bạn cần biết

SAR 412 tiếp lửa cho ngư dân trên biển

25/06/2017, 13:26

Hàng trăm ngư dân miền Trung được tàu cứu nạn SAR 412 cứu sống mỗi năm khi gặp nạn trên biển...

29

Tàu SAR 412 luôn là điểm tựa tinh thần, tiếp lửa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Làm thày ở đảo tiền tiêu

7h ngày 30/5, tàu cứu nạn SAR 412 (thuộc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng - Trung tâm II) rời cầu cảng, bắt đầu hành trình 70 hải lý vượt sóng, đến với đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi). Giữa dập dềnh sóng, dập dềnh gió, đoàn công tác của Vụ ATGT do ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng dẫn đầu vẫn tất bật chuẩn bị tài liệu tuyên truyền ATGT trên biển. Sự tĩnh lặng chỉ đến từ khoang lái, nơi thuyền trưởng Phan Xuân Sơn thuần thục điều khiển bánh lái, trực chỉ Lý Sơn.

11h cùng ngày, tàu cập cảng Lý Sơn. Nhiều cư dân trên đảo khi thấy bóng dáng hùng dũng của tàu SAR 412 liền chạy ùa ra cảng. Một số bác xe ôm trên đảo nhanh nhảu chụp lấy dây thừng được thủy thủ ném xuống, móc chặt vào cầu cảng. Trên nóc tàu, với bộ đàm cầm tay, thuyền trưởng Sơn khéo léo hiệu lệnh cho thủy thủ cập mạn tàu nhẹ nhàng nhất. Và, chúng tôi đặt chân lên Lý Sơn.

Thống kê từ Trung tâm II cho biết, từ năm 2015 đến nay, tàu SAR của trung tâm đã thực hiện thành công 8 đợt tập huấn, tuyên truyền kỹ năng ứng phó sự cố trên biển cho hơn 700 ngư dân từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tại 8 lớp học, Trung tâm II đã cấp phát 300 phao áo, 200 phao tròn, 30 túi thuốc y tế và hơn 1.000 tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng là ngư dân, chủ tàu thuyền tham gia tập huấn, mang lại hiệu quả cao.

Chiều hôm ấy, tại hội trường Liên đoàn Lao động huyện đảo Lý Sơn, gần 100 ngư dân tề tựu, háo hức lắng nghe từng lời chỉ dẫn của thủy thủ tàu SAR 412 về kỹ năng ứng phó sự cố trên biển.

Bác sĩ tàu SAR 412 Trần Ngọc Quang có lẽ là người cả trăm ngư dân chờ đợi nhất. Thân hình rắn rỏi, làn da rám nắng, bác sĩ Quang có cách diễn giải câu chuyện dí dỏm đến mức gần 2 giờ đồng hồ thị phạm cách sơ cấp cứu trên tàu, cả khán phòng cười không ngớt. Nhưng, từng kỹ năng cứu nạn vẫn đi sâu vào trí óc các ngư dân có mặt. “Đây không chỉ là kỹ năng cứu người trên biển. Kể cả khi đi đường, gặp người bị nạn như giật điện, TNGT, đột quỵ… mình đều có thể sơ cứu ban đầu trước khi đưa vào bệnh viện. Sơ cứu đúng cách, chúng ta cứu được 1 mạng người. Bằng không, hành động thiếu kiến thức dễ biến trâu lành thành trâu què”, bác sĩ Quang dẫn chuyện.

Chăm chú lắng nghe nhất từ đầu buổi nên khi được vị bác sĩ đề nghị thuyết trình lại các bài đã học, ngư dân Trần Văn Châu (54 tuổi) nhắc không sót chi tiết nào. Đơn cử như bài nẹp ván cố định xương cho người bị gãy xương sống, khi đã buộc thân người bị nạn vào tấm ván lớn kê dưới lưng, bác sĩ Quang hỏi: Giờ làm thế nào để khiêng người này lên mà không tổn thương đến tủy?. Cả hội trường xôn xao bởi bài trước đó là nẹp chân bị gãy, phần nhấc người cho lên ván khá phức tạp, dễ làm lệch xương. “Thì cứ khiêng tấm ván mà chạy như khiêng giường thôi”, ông Châu nói lớn. Cả hội trường vỡ lẽ bởi quá đơn giản nhưng chưa nghĩ ra, sau đó là những tràng vỗ tay vang dội tặng cho người ngư dân chăm chú “học bài” này. Bác sĩ Quang cũng không quên tặng lời khen hài hước: “Vài đợt tập huấn như thế này thì anh thay tôi luôn cũng được”.

Ước mong mỗi ngư dân là một bác sĩ trên biển

Hàng chục năm theo tàu SAR 412 “đạp sóng” cứu người, bác sĩ Quang vẫn không thôi đau đáu làm sao để mỗi ngư dân là một bác sĩ trên biển, thuần thục cách sơ cấp cứu. Bác sĩ Quang kể, chỉ riêng năm 2016, có ít nhất 3 vụ tai nạn trên tàu cá khiến ngư dân bị gãy chân. Trong đó, có 2 vụ là ngư dân của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) và 1 ngư dân Quảng Ngãi. Đây đều là những địa phương mà thủy thủ tàu SAR 412 từng có mặt trước đó để mở lớp “học làm bác sĩ”. Nhờ vậy, cả 3 ngư dân đều giữ được chân và tiếp tục hành nghề.

Lần giở nhật ký hành trình, vị bác sĩ gần lục tuần nhớ lại chuyến cứu nạn ngày 11/4/2016. Trung tâm II nhận tin báo từ tàu QNa 95997 TS do ông Phan Thu (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Trên tàu lúc này có ngư dân Lê Văn Hộ (46 tuổi) bị ngã từ trên cao xuống dẫn đến gãy chân trái phía trên đầu gối nhưng không ra máu. Sau khi trao đổi với bác sĩ ở đất liền, ông Hộ được chẩn đoán gãy xương kín và được hướng dẫn sơ cấp cứu. “Ra đến nơi, bước lên tàu cá, tôi mừng rỡ khi thấy chân trái của nạn nhân được bó nẹp rất đẹp, hoàn toàn chuẩn về mặt kỹ thuật. Ông Hộ được cho nằm cố định trên boong tàu, sau đó tôi làm thêm các bước kê ván, chuyển nạn nhân sang tàu SAR 412 để đưa về bờ. Quả thật, nếu ông Hộ không được sơ cứu kịp thời, hoặc làm không đúng cách thì khả năng phải cưa một chân là rất cao”, bác sĩ Quang nói.

Hay một trường hợp khác phức tạp hơn vào ngày 1/5/2016, tàu SAR 412 thẳng hướng Tây Tây Nam quần đảo Hoàng Sa để cứu ngư dân Huỳnh Thanh Bình (SN 1984, quê Quảng Nam) bị trục lăn đánh vào ống quyển dưới đầu gối chân trái gây dập xương, chảy máu nhiều. Nạn nhân đau dữ dội, sốt cao, lúc tỉnh, lúc mê. Qua bộ đàm, bác sĩ Quang cùng ê-kíp bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng liên tục hướng dẫn cách cầm máu, cố định xương tránh va đập, giữ cho nạn nhân tỉnh táo. “Những lúc như vậy, tôi vui vì thấy những ngư dân được mình truyền dạy tiếp thu và thực hiện quá tốt các kỹ năng đã học. Nếu không, có lẽ nhiều người trong số họ không thể vươn khơi được nữa”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Theo ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm II, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam, những năm qua, đơn vị thường xuyên cử tàu SAR 412 với các thủy thủ dày dặn kinh nghiệm nhất đi tập huấn cứu nạn. Các điểm tập huấn trải dài từ Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, Thăng Bình (Quảng Nam) hay Sa Kỳ (Quảng Ngãi)… “Đây đều là những chuyến tập huấn rất thành công. Không những truyền đạt cho ngư dân các kỹ năng cần thiết để sống sót trên biển, mà còn là dịp để tàu SAR và ngư dân thêm gắn kết, qua đó chúng tôi tiếp thêm lửa tin trên biển. Mỗi ngư dân vừa là một bác sĩ, vừa là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, ông Nguyên cho hay.

Cùng đi trong đoàn công tác ra Lý Sơn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho biết: Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thực hiện Công ước SAR 79, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quyết định thành lập Đoàn công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về TKCN năm 2017 tại Thái Bình và đảo Lý Sơn, tiếp tục mở rộng ra nhiều địa phương các năm sau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.