Đường thủy

Sạt lở bờ sông Hậu có phải do tàu cao tốc gây ra?

08/09/2022, 15:40

Những nơi không có tàu cao tốc, sạt lở bờ sông Hậu (Sóc Trăng) vẫn diễn ra thường xuyên.

Doanh nghiệp yêu cầu đánh giá có khoa học và đầy đủ

Thời gian qua, một số người dân sống, mưu sinh trên sông Hậu đoạn qua huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh, từ đầu tháng 4/2022 tới nay, tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động đã gây sạt lở nghiêm trọng đê bao cồn. Đồng thời, cuốn trôi nhiều ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân.

img

Tàu cao tốc chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo trên sông Hậu.

Theo UBND huyện Kế Sách, trong những năm qua, triều cường gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đê của huyện. Tuy nhiên, từ khi tàu cao tốc chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Cụ thể, đã làm sạt lở hơn 30 đoạn chân đê, nhiều vụ chìm ghe, xuồng, gây hư hỏng phương tiện. Và một số người dân đánh bắt cá trên sông bị cuốn trôi mất lưới, ngư cụ; một số công trình bằng kè rọ đã hư hỏng...

Ngoài ra, trên địa bàn xã đảo Phong Nẫm cũng ghi nhận nhiều tuyến đê bị sạt lở do hoạt động của tàu cao tốc Côn Đảo gây ra.

Để làm rõ và đảm bảo tính khách quan của vụ việc, PV Báo Giao thông đã tìm hiểu và có cuộc trao đổi với hãng tàu cao tốc. Đại diện lãnh đạo tàu cao tốc Mai Linh chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo, cho biết: Từ tháng 4/2022, vì nhiều nguyên nhân nên tần suất hoạt động của các tàu rất thấp.

Có thời điểm mỗi tháng chỉ một chuyến chạy ra Côn Đảo. Giả như nếu hôm nay đi Côn Đảo thì hôm sau về lại Cần Thơ. Hơn nữa, dưới sự hướng dẫn của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, tàu Mai Linh luôn chạy với tốc độ vừa phải trên các đoạn của sông.

Vị đại diện này cũng cho biết: Theo tính toán, khoảng cách từ bờ này qua bờ kia của sông Hậu, bình quân là từ 1 - 1,6km. Trong khi tàu Mai Linh chỉ có tải trọng chưa tới 500 tấn.

Với tải trọng này, tàu chỉ tạo sóng mặt nước phía trên, và không tạo sóng ngầm bên dưới. Vì vậy, nói tàu chạy gây sạt lở là chưa đủ cơ sở khoa học.

Hơn nữa, trên sông Hậu hiện có rất nhiều tàu chở hàng với tải trọng từ 2.000-5.000 tấn ra vào thường xuyên. Chính các tàu này mới tạo sóng ngầm và gây sạt lở.

Đặc biệt, có thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tàu Mai Linh không chạy ra Côn Đảo, nhưng các khu vực hai bên bờ sông vẫn sạt lở, và đây là quy luật tự nhiên của sông Hậu từ xưa tới nay với yếu tố địa chất đặc trưng.

Về việc làm trôi, hư lưới, ngư cụ của người dân, thì phải xem xét lại, vì tàu được phép chạy trong luồng hàng hải. Vậy vấn đề đặt ngược lại, là có phải việc đánh bắt đang xâm phạm luồng hàng hải cũng như quy định giao thông đường thủy?

Cơ quan chức năng nói gì?

Ngày 8/9, liên quan đến vấn đề sạt lở mà người dân phản ánh, ông Huỳnh Hồng Lực, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đã có buổi trao đổi với Báo Giao thông.

Ông cho biết, trước đây có 2 tuyến cao tốc, gồm: Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) do Phú Quốc Express chạy và tuyến Cần Thơ - Côn Đảo do Mai Linh Tây Đô vận hành.

Tuy nhiên, hiện nay tuyến cao tốc Cần Thơ - Trần Đề đã không còn hoạt động, chỉ còn tuyến Cần Thơ - Côn Đảo của Mai Linh.

img

Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL đã diễn ra từ rất lâu, ngay cả những nơi không có tàu thuyền qua lại. (Trong ảnh: Hiện trường một vụ sạt lở ở Cần Thơ)

Theo ông, trên sông Hậu hiện nay có vô số phương tiện thủy hoạt động chứ không riêng gì tàu cao tốc. Hơn nữa, sạt lở có nhiều nguyên nhân, và đã trở thành quy luật tự nhiên từ xưa tới giờ, chứ không thể đổ hết do tàu cao tốc.

Chẳng hạn như ở An Giang không có tàu cao tốc cũng không có tàu biển, nhưng sạt lở vẫn diễn ra rất nghiêm trọng trên tuyến sông dọc theo QL91.

Do đó, để đánh giá có phải tàu cao tốc chạy gây ra sạt lở hay không? - cần có những đánh giá đầy đủ và khoa học.

"Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và nhắc nhở doanh nghiệp khi vận hành tàu phải đảm bảo an toàn.

Tại những khu vực có nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra sạt lở, thì cho tàu chạy với tốc độ chậm, vừa phải, và chạy giữa sông nhằm tránh gây ảnh hưởng hai bên bờ.

Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp nên mời người dân và chính quyền địa phương trực tiếp đi tàu để khảo sát, nhằm đưa ra những đánh giá chính xác nhất", ông Lực nói.

Cảng vụ sẽ có cuộc họp với các địa phương có liên quan ở Sóc Trăng và Vĩnh Long để bàn các giải pháp về việc này.

Duy trì tuyến cao tốc là cần thiết

Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về vụ việc. Theo đó, Bộ GTVT nhận định, việc đưa tàu cao tốc vào hoạt động trên tuyến Cần Thơ - Côn Đảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Vì vậy, việc duy trì hoạt động của tuyến tàu cao tốc từ Cần Thơ đến Côn Đảo trong thời gian tới là rất cần thiết.

Bộ cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, Sở GTVT Cần Thơ, các doanh nghiệp vận tải liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra hoạt động của tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo.

Theo đó, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đê bao cồn, cuốn trôi ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân trong khu vực huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng như phản ánh.

Cục Hàng hải Việt Nam đã kiểm tra, đánh giá hoạt động thực tế của tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo. Yêu cầu doanh nghiệp chủ động chạy thử tàu cao tốc qua khu vực huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung và điều chỉnh tốc độ, hướng chạy tàu cho phù hợp để đảm bảo không gây ảnh hưởng, sạt lở đê bao cồn, cuốn trôi ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân.

Sau khi có kết quả chạy thử nghiệm tàu cao tốc, cần phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng do hoạt động của tàu cao tốc đối với tình trạng sạt lở đê bao và ngư cụ của người dân trên tuyến Cần Thơ - Côn Đảo, để hoàn thiện phương án, quy trình chạy tàu cao tốc cho phù hợp.

Bộ GTVT nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ phối hợp với Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và chính quyền địa phương thường xuyên, định kỳ thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động đối với tàu cao tốc đảm bảo chạy đúng tốc độ, đúng luồng trên tuyến Cần Thơ - Côn Đảo.

Đồng thời, xử lý nghiêm doanh nghiệp vận tải để tàu cao tốc hoạt động vi phạm quy định gây sạt lở đê bao cồn, cũng như hư hỏng tài sản của bà con ngư dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.