Nhiều dự án kè phòng, chống sạt lở đang được thực hiện
Có mặt tại dự án Kè Hổ Cứ thuộc địa phận xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, PV Báo Giao thông ghi nhận, các nhà thầu đang huy động lượng lớn thiết bị xây dựng và nhân lực để thực hiện các công đoạn gồm trải bản, thảm đá, thả lớp và hộ sân kè…
Ông Vũ Hồng Nam, cán bộ kỹ thuật, Công ty CP xây dựng đê kè phát triển nông thôn Hải Dương (nhà thầu thi công) cho biết, gói thầu công ty đang thực hiện có chiều dài 1,179km, giá trị thực hiện hơn 120,26 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6 năm 2024.
"Đến nay, tiến độ thực hiện đạt 80%, vượt 30% so với kế hoạch đề ra. Cái khó hiện nay là vẫn còn vướng mặt bằng thi công. Trong khi đó, đang là mùa nước nổi, một số hạng mục chưa thi công được", ông Nam cho biết thêm.
Anh Nguyễn Văn Tạo, cán bộ tư vấn, giám sát Kè Hổ Cứ thông tin: "Dự án có tổng mức đầu tư 287,404 tỷ đồng, quy mô đầu tư 2,7km. Vốn kế hoạch năm 2023 bố trí cho dự án là 134,3 tỷ đồng.
Cả 3 gói thầu xây lắp đều có tiến độ xây dựng nhanh và kết quả rất khả quan, đạt 65% khối lượng hợp đồng".
Trong khi đó, tại dự án xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tổng mức đầu tư 399,077 tỷ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư có hai gói thầu xây lắp, đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đạt trên 99% khối lượng hợp đồng.
Anh Nguyễn Trường Giang, đơn vị tư vấn, giám sát dự án cho biết: "Đến nay đã hoàn thành 3/4 phần việc bao gồm khảo sát địa chất công trình; kiểm tra độ lún và chuyển vị ngang của đỉnh kè (ba chu kỳ); kiểm tra tính năng kỹ thuật vật liệu xây dựng chính (xác định cường độ kết cấu BTCT tại công trình) và nộp báo cáo đầy đủ theo quy định.
Hiện chỉ còn một phần việc khảo sát đo đạc lại địa hình sau khi thi công là hoàn thiện gói thầu này", anh Giang nói.
Tăng cường gia cố bờ sông
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực sông Tiền, sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra ba vụ sạt lở bờ sông tại các xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình và xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự với chiều dài sạt lở 0,22km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 0,658ha.
Tình trạng ăn mòn đất xảy ra ở hai huyện Thanh Bình và Cao Lãnh cũng diễn biến phức tạp với chiều dài khoảng 21km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 1,25ha. Ước tổng thiệt hại là 7,55 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 44 vụ sạt lở, sụp lún khu vực nội đồng với chiều dài sạt lở là 1,78km, diện tích đất 0,482ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 23 hộ dân, làm sập, cuốn trôi ba căn nhà, bốn căn nhà phải tháo dỡ di dời.
Đồng thời, tình hình sạt lở mái taluy, mái kênh, ăn mòn đất tại huyện Lấp Vò và thành phố Sa Đéc với chiều dài 9,52km, diện tích đất bị ảnh hưởng là 2,12ha. Ước tổng thiệt hại là 6,05 tỷ đồng.
Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để hạn chế thiệt hại, tỉnh đang thực hiện năm dự án bờ kè chống sạt lở, xử lý cấp bách sạt lở bờ sông và giao cho Ban làm chủ đầu tư.
Ngoài hai dự án vừa nêu ở trên, tỉnh còn thực hiện dự án kè chống sạt lở và trồng cây bảo vệ đường tuần tra biên giới (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 84,9 tỷ đồng. Dự án kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ, tổng mức đầu tư 112,849 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, dự án phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực các xã Long Thuận, Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) đã nghiệm thu hoàn thành giai đoạn 1.
"Với tính chất cấp bách của các dự án kè chống sạt lở, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí vốn và chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Từ đó, góp phần ứng phó với diễn biến sạt lở ngày càng khó lường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tới thời điểm hiện tại, các dự án đều có tiến độ xây dựng đúng theo kế hoạch", ông Nhiều cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận