Thông tin với phóng viên Báo Giao thông sáng 12/10, lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sau sự cố sạt lở thuỷ điện Kà Tinh xảy ra công tác cứu nạn, cứu hộ được các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện.
Tuy nhiên, đến tối 11/10, công tác này phải tạm dừng vì nỗi lo nguy cơ sạt lở từ ngọn núi có thể tiếp tục do bị ngậm nước mưa những ngày qua.
Công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích đang được ngành chức năng khẩn tốc thực hiện.
“Đặc biệt khi trời tối việc triển khai phương châm dốc toàn lực tìm kiếm nạn nhân mất tích cũng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, tránh xảy ra những sự vụ đáng tiếc”, một lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng nói.
Theo vị lãnh đạo này, hiện trường sáng 12/10, tại khu vực vụ sạt lở, đất đá từ trên núi cao vẫn thường xuyên sạt xuống bên dưới, ngoài ra một khe nước liên tục chảy nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Hiện tại thời tiết đã ngớt mưa, trời hửng nắng, công tác cứu nạn, cứu hộ sẽ thuận lợi hơn.
Được biết, để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công nhân, kỹ sư và nhiều thiết bị cơ giới đến công trường để làm nhiệm vụ khắc phục sự cố, tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vu sạt lở núi là kỹ sư Nguyễn Nhật Nam.
Hiện tại, công tác tiếp cận bên trong trạm điều hành rất khó khăn do lối tiếp cận duy nhất theo hướng tỉnh lộ 622B đã bị chặn bởi một tảng đá rất lớn, phương tiện cơ giới không thể di chuyển được nên phương án nổ mìn phá đá đã được cơ quan chức năng tính tới trong phương án tiếp cận tìm kiếm nạn nhân.
Công tác cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích rất khó khăn vì ngoài hàng chục nghìn m3 đất, đá phủ lấp thì khu nhà trạm điều hành bị hư hỏng nghiêm trọng, đặc biệt là đến giờ vẫn chưa xác định được vị trí nạn nhân nên công tác tìm kiếm thêm khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên, hiện trường bên trong nhà điều hành ngổn ngang khi hệ thống xà gồ ngã đổ chằng chéo, bên trong đất đá, bùn non lẫn lộn. Để tìm tiếm và vào bên trong nhà điều hành các phương tiện cơ giới được điều động “bò” vào sát trạm điều hành đào xúc lớp đất đá. Tuy nhiên, do lớp đất này là bùn nhão nên việc xúc dời đi khó khăn hơn.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT Quảng Ngãi hiện trường vụ sạt lở núi tại Nhà máy thủy điện Kà Tinh có khối lượng đất đá khoảng 20.000m3. Do đó, ngoài công tác khắc phục sạt lở nhằm thông đường sớm nhất, đơn vị cũng cử lực lượng phối hợp thu dọn đất, đá ở khu vực nhà máy. Tuy nhiên, khối lượng đất đá quá lớn nên sẽ mất thời gian rất lâu mới hoàn thành được vì hiện trường không đủ không gian để đội thiết bị cơ giới hoạt động cùng lúc.
“Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nạn nhân trong vụ sạt lở núi mắc kẹt ở vị trí nào nên công tác tìm kiếm phải hết sức thận trọng, trước mắt là tìm cách để tiếp cận bên trong nhà máy, nơi được cho là vị trí công nhân này trú ngụ trước khi sự cố xảy ra”, lãnh đạo Sở GTVT thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận