Sống dọc bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau hơn 30 năm qua, người dân đường Lê Thị Hồng Gấm (khóm 6, phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chưa bao giờ đối diện với một mùa mưa bão đầy bất an như năm 2024.
Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu, nhưng nhiều căn nhà ven sông đã bị "hà bá" nuốt chửng, cuốn đi tài sản hàng chục năm gây dựng.
Bàng hoàng thấy cảnh sạt lở khủng khiếp
Nhắc lại thời điểm căn nhà sau bị sạt lở trôi xuống lòng sông, bà Phan Thị Thu Nguyệt (ngụ khóm 6, phường 5) chưa hết bàng hoàng kể lại: "Mấy hôm trước, xuất hiện vết nứt tưởng nhỏ, từ từ lớn dần. Đến rạng sáng 23/6, tôi nghe rầm rầm, chạy ra nhìn thấy nguyên căn nhà sau đổ xuống cái ào".
Theo lời bà Nguyệt, bà sống ở nơi đây từ nhỏ đến giờ 62 năm, đây là lần đầu bà thấy cảnh tượng sạt lở kinh hoàng đến vậy.
"Đêm trước ngủ nghe tiếng chuột chạy là hoảng hồn thức dậy chạy ra ngoài, sợ sạt lở tiếp tục. Bây giờ cháu nội cũng gửi về ngoại ở vài ngày. Tôi không dám ngủ lại luôn, đồ đạc di dời đến nơi an toàn hết rồi, không dám để thứ gì ở lại", bà Nguyệt chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với bà Nguyệt, ông Huỳnh Đức Thắng (cách nhà bà Nguyệt hai căn) cũng bị sạt lở phần nhà phía sau.
Ông Thắng chia sẻ: "Trước đây, đất phía nhà sau còn cây cối mọc nhiều lắm, không có sạt lở gì, nhưng nay không còn gì. Tôi nghĩ là do xáng nạo vét lòng sông quá sâu, phần còn lại nguy cơ sạt lở rất cao vì bị hở hàm ếch".
Đã 56 tuổi nhưng ông Thắng lần đầu tiên thấy cảnh sạt lở kinh hoàng đến vậy lại xuất hiện vào ban đêm nên mọi người rất lo lắng.
"Tôi không dám ngủ lại nhà mà di dời đồ đạc lên nhà mẹ ruột phía trên lộ để ngủ nhờ. Lo quá, ngủ không được, ăn uống cũng không vô", ông Thắng lo lắng và mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ người dân, yên tâm ổn định cuộc sống.
Trung tá Huỳnh Chí Phong, Trưởng công an phường 5 chia sẻ: "Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra sạt lở, địa phương đã cử cán bộ phối hợp với lực lượng quân sự, nhanh chóng đến hiện trường hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả.
"Đặc biệt, di dời những hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24h để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra", trung tá Phong cho biết thêm.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận định, từ thực tế sụt lún ở huyện Hồng Dân và sạt lở trên địa thị xã Giá Rai, thành phố Bạc Liêu, diễn biến thời tiết từ đầu năm đến nay đã bất thường so với những năm trước.
Điều này cũng đặt ra một vấn đề về quản lý về hành lang đường thủy tại các địa phương để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản người dân trước sức ảnh hưởng của sạt lở, sụt lún. Bởi đặc thù và thói quen sinh sống ven sông của người dân nơi đây.
"Khó khăn là nguồn lực của tỉnh có hạn nhưng nguồn vốn cần để xây dựng các bờ kè phòng, chống sạt lở tại các địa phương lại nhiều do hệ thống sông ngòi chằng chịt", ông Ly chia sẻ.
Di dời người dân khỏi nơi sạt lở nguy hiểm
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bạc Liêu, tính đến 18h ngày 23/6, có tổng số 39 căn nhà bị ảnh hưởng trong phạm vi chiều dài sạt lở 800m (phát sinh 5 căn nhà so với ngày 22/6).
Qua rà soát, có 10 hộ dân phải di dời nhà cửa đến nơi khác an toàn (thuê nhà trọ, đến nhà người thân), còn 29 hộ dân vẫn ở tại chỗ (các hộ này tiếp tục theo dõi tình hình, nếu tình hình phức tạp hơn sẽ tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi khác an toàn).
Phòng Kinh tế thành phố Bạc Liêu phối hợp với UBND phường 5 đã hoàn thành cắm biển báo tại khu vực sạt lở, để người dân chủ động phòng tránh.
Qua khảo sát, kiểm tra hiện trường bước đầu nhận định đoạn bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu sạt lở có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đang thi công nạo vét sông Cà Mau - Bạc Liêu tại khu vực này.
Thời điểm xảy ra sạt lở là thời kỳ triều kém, cao trình mực nước trên sông Cà Mau - Bạc Liêu xuống thấp, tải trọng trên bờ (cộng thêm mưa làm đất bão hòa nước) đã gây ra sạt lở.
Hiện tại, đơn vị thi công (Công ty CP Giao thông Sài Gòn 99) phối hợp với UBND phường 5 hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng mỗi hộ 5 triệu đồng/hộ.
Sau khi xảy ra các vụ sạt lở đe dọa cuộc sống người dân, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra, hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại.
Cùng với đó, khẩn trương cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chưa cắm biển cảnh báo. Tăng cường các lực lượng xung kích tiếp tục xuống hiện trường giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống, có giải pháp gia cố tạm thời để người dân an tâm.
"Rà soát cụ thể từng nhà, nếu cần thiết cần xem xét di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này", ông Thiều yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận