Nhiều nơi tại Hà Nội thiếu nước sạch phải có xe chở tới cấp cho người dân (Ảnh chụp tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) |
Một khối nước sạch giá 100.000 đồng
Chị Nguyễn Thu Phương, trú tại khu tập thể Đoàn 5, Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, tình trạng mất nước sinh hoạt ở khu vực nhà chị đã diễn ra từ cuối tuần trước (16/5) đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo chị Phương than phiền: “Gần tuần nay, đường nước chảy nhỏ giọt, mà mỗi lần bơm cũng chỉ được chừng 15-20 phút rồi lại nghỉ. Các gia đình quanh đó phải cắt cử người “canh” nước để bơm, hứng”.
"Viwaco không cung cấp đủ nước cho chúng tôi để bán cho người dân, chúng tôi làm thế nào, chẳng lẽ vắt nước ra được à”?
Ông Trần Quốc Cường |
Trong khi đó, một số gia đình ở đầu nguồn, mỗi khi nước về lại dùng máy bơm công suất lớn khiến các hộ còn lại mất nước hoàn toàn nên buộc phải mua lại từ chính “nhà cung cấp” với giá trung bình 50.000 đồng/khối. “Mua cũng phải tranh nhau, nhiều hôm tôi vừa bơm được vài phút, đã bị hàng xóm rút đường ống của mình ra thay của họ vào”, chị Phương kể và cho biết thêm, gia đình chị phải bỏ hơn 300.000 đồng mua gần 100m dây để dẫn nước từ “nhà cung cấp” về nhà mình.
Gia đình chị Phương, hai vợ chồng, một con nhỏ, lại đi vắng cả ngày song dùng tằn tiện cũng phải mất nửa khối/ngày. “Quần áo tôi phải gom lại, mang sang giặt nhờ nhà họ hàng ở quận Cầu Giấy, chồng tôi phải tranh thủ tắm nhờ nhà người quen”, chị Phương chia sẻ.
“50.000 đồng/khối nước còn rẻ chán, gia đình tôi phải mua tới 100.000 đồng/khối”, bác Liên, nhà ở khu tập thể Cổ Ngựa, Mỗ Lao, Hà Đông than. Bác Liên cho biết, từ hôm mất nước tới nay, bác đã phải mua hai téc nước, mỗi téc 5 khối, giá 500.000 đồng/téc mà cũng chỉ dùng trong 2 - 3 ngày cho một gia đình 7 người. Còn gia đình anh Đỗ Minh Hùng, hàng xóm nhà bác Liên thì phải sơ tán về nhà ông bà nội ở Từ Liêm bởi theo anh Hùng: “Không gì khổ bằng cảnh mất nước, nhất là đúng thời điểm nắng nóng gay gắt”. Tình trạng khốn đốn vì thiếu nước sạch cũng diễn ra tương tự tại một số khu vực khác như Đền Lừ, Định Công...
Tiếp tục thiếu nước
Mang bức xúc của người dân trao đổi với Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco - đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình) Nguyễn Anh Việt, ông Việt, cho biết, có tình trạng giảm áp bơm nước từ nhà máy về, song nguyên nhân, theo tôi hiểu là do nhu cầu sử dụng nước tăng lên khiến áp lực nước giảm”. Đặt câu hỏi, có nguyên nhân giảm áp do chất lượng đường ống dẫn nước suy giảm sau nhiều lần bị vỡ liên tiếp, ông Việt không bình luận, vì cho rằng trách nhiệm thuộc đơn vị khác.
Ông Việt khẳng định, trong ngày 21/5, tình trạng mất nước tại Định Công sẽ được khắc phục bởi trong ngày 20/5 đơn vị này đã bổ sung thêm một đường ống nước phi 60 cho khu vực này. Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về kết quả khắc phục ở các khu vực khác như: Quận Thanh Xuân, Từ Liêm..., ông Việt cho biết, không thuộc trách nhiệm của Viwaco mà thuộc các HTX như: Thống Nhất, HTX Mỹ Đình - những đơn vị mua lại nước của Viwaco để phân phối cho khu vực này.
Liên hệ với Chủ nhiệm HTX Thống Nhất (đơn vị cung cấp dịch vụ nước tại một số khu vực trên địa bàn quận Thanh Xuân) Trần Quốc Cường, ông Cường nói: “Viwaco không bán đủ nước cho chúng tôi để bán cho người dân, chúng tôi làm thế nào, chẳng lẽ vắt nước ra được à”. Theo ông Cường, trước đây, trung bình một ngày Viwaco bán cho HTX Thống Nhất 3.800 - 4.000 khối nước/ngày và đó cũng là nhu cầu tối thiểu của các khách hàng trong khu vực, song trong vòng gần 10 ngày trở lại đây nguồn cung giảm xuống một nửa, chỉ còn 1.600 - 1.800 khối/ngày. “Các gia đình gần ống nước họ dùng máy bơm hút nước rồi, thì các hộ ở xa chỉ có ngồi khóc. Tôi trả tiền đầy đủ mà họ không bán, chúng tôi biết cậy vào ai”, ông Cường nói.
Nguyên nhân chính, theo ông Cường là do đường ống nước Hòa Bình Sông Đà liên tục bị vỡ vừa qua khiến cho nhà cung cấp buộc phải giảm áp để không vỡ thêm lần nữa. Trong khi đó, nhu cầu nước bắt đầu gia tăng khi vào hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng khiến cho nguồn cung càng thiếu hụt. Ông Cường nhận định, chừng nào Viwaco chưa có đường ống dẫn nước thứ hai (theo kế hoạch) thì chưa thể khắc phục được tình trạng thiếu nước, nhất là khi bước vào mùa cao điểm về nhu cầu nước sạch như hiện nay.
Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận