Hạ tầng

Sau ba lần “hứa”, cao tốc Pháp Vân vẫn chưa thông mặt bằng

11/05/2018, 07:18

Sau ba lần hứa, đến nay, dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vẫn còn hơn 7km vẫn chưa được bàn giao mặt bằng.

9

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn 12 vị trí vướng mặt bằng phải cắm biển báo “Đoạn đường đang chờ GPMB” - Ảnh: Đình Quang

Mỏi mắt chờ GPMB

TP Hà Nội đã cam kết hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước 21/9/2016, sau đó xin gia hạn đến 31/10/2017, rồi lại tiếp tục hứa kết thúc vào 30/4/2018.

Ngày 8/5, trực tiếp có mặt trên công trường xây dựng dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, PV Báo Giao thông ghi nhận,mặt đường của dự án đã cơ bản được mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe. Nhiều đoạn đã hoàn thành thảm bê tông nhựa 2 lớp, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông êm thuận. Hiện các nhà thầu đang tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công hạng mục đường gom cả hai bên tuyến tại những vị trí đã được bàn giao công địa.

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quan sát, trên tuyến chính của dự án vẫn tồn tại nhiều khu vực mặt đường chỉ có 4 làn xe, chưa mở rộng lên 6 làn và đang phải rào chắn vì chờ mặt bằng thi công.Các phương tiện lưu thông qua đây liên tục phải giảm tốc độ, nhiều khi phải phanh gấp. Điển hình là khu vực tuyến cao tốc đi qua địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội), cứ vài kilomet lại xuất hiện một biển cảnh báo: “Đoạn đường đang chờ giải phóng mặt bằng”.

Trên quãng đường gần 30km của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, PV ghi nhận hơn 10 vị trí mặt bằng xôi đỗ, phải cắm biển báo hiệu. Trong đó, khu vực tuyến từ Km192 - Km193, một bên đường thuộc xã Liên Phương, bên kia thuộc xã Hà Hồi (huyện Thường Tín) còn tồn tại phần mặt bằng chưa bàn giao cho dự án dài nhất với hơn 1km, hàng chục nhà dân kèm phần đất thổ cư vẫn nằm chình ình chưa được giải tỏa. Tương tự, trên địa bàn qua khu vực hai huyện Thanh Trì và Phú Xuyên, mặt đường tại một số vị trí vẫn chưa được mở rộng lên 6 làn vì vướng đất nông nghiệp, đất ở của người dân hai bên đường.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, theo kế hoạch ban đầu, TP Hà Nội cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước 21/9/2016, sau đó, gia hạn đến 31/10/2017. “Mục tiêu đề ra không thành, TP Hà Nội tiếp tục cam kết hoàn thành mặt bằng vào 30/4/2018. Nhưng thực tế, đến nay, dự án vẫn còn hơn 2,4km mặt bằng trên tuyến chính và 5,3km đường gom chưa được địa phương bàn giao cho các nhà thầu thi công”, ông Nhận nói.

Sẽ cưỡng chế, bảo đảm hoàn thành dự án cuối năm 2018

Theo ông Nhận, các vị trí còn vướng mặt bằng tương đương 12 điểm hẹp trên tuyến, thuộc địa phận 3 huyện: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Trường hợp khả thi nhất, phần mặt bằng được bàn giao toàn bộ trước 30/6/2018, dự án chỉ có thể kết thúc sớm nhất phần xây lắp vào cuối năm 2018, bởi các đoạn vướng mặt bằng hầu hết là những vị trí cần phải xử lý nền đất yếu và tường chắn, đường gom nên thời gian thi công kéo dài.

“Chúng tôi đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo rốt ráo các địa phương hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho các nhà thầu thi công”, ông Nhận nói và chia sẻ thêm, các vị trí đang vướng mặt bằng cũng chính là những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào những dịp nghỉ lễ, Tết khi lưu lượng xe tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông của phương tiện.

Về phía chính quyền địa phương, trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Tuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, phần đất nông nghiệp của huyện nằm trong mặt bằng thi công dự án đã cơ bản được bàn giao hết, chỉ còn lại phần đất thổ cư đang thực hiện đền bù theo quy trình, quy định.

“Chúng tôi đang tiến hành xác minh nguồn gốc đất thổ cư của các hộ dân nằm trong diện giải tỏa đã xong một xã, còn 3 xã nữa. Việc xác minh nguồn gốc đất rất phức tạp. Theo lộ trình, quy định phải cuối tháng 6 mới hoàn thành, nhưng chúng tôi cố gắng sẽ cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu vào cuối tháng 5/2018”, ông Tuyến nói.

Trong khi đó, với mặt bằng dự án của huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Mặt bằng tuyến chính của dự án qua huyện Thanh Trì đã cơ bản được bàn giao, hiện chỉ còn ít mặt bằng phần đường gom của khoảng 10 hộ dân. Chắc chắn chúng tôi phải tiến hành cưỡng chế để đến cuối tháng 6/2018 bàn giao hết toàn bộ mặt bằng cho dự án”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.