Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường gây ngộ độc thực phẩm
Sau vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại trường Ischool Nha Trang, lại thêm vụ việc 10 trẻ ngộ độc thực phẩm sau ăn sáng ở cổng trường. Bước đầu nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc này được xác định do vi khuẩn Salmonella.
Nhiều học sinh trường Ischool ngộ độc thực phẩm phải nhập viện ngày 19/11
Theo TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm có ba nhóm nguyên nhân: Vi sinh vật; Hóa chất và do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (như sắn, măng, cá nóc…).
BS. Trung nguyên cảnh báo tình trạng ngộ độc có quy mô lớn như bếp ăn tập thể ở công ty, xí nghiệp, trường học, hội nghị… vẫn thường xuyên xảy ra.
Ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ ở các hộ gia đình...
Trong 3 nhóm nguyên nhân này, nhóm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm xảy ra với tần suất nhiều nhất. Những loại vi khuẩn hay gây ngộ độc thực phẩm như tụ cầu, E.coli, Salmonella …
Việc điều trị đối với các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật thường đơn giản, đa phần bệnh nhân sẽ ổn định.
Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella dễ diễn biến nặng. Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường thấy trong các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn. Đây là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm.
Có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
Nhận biết ngộ độc thực phẩm ra sao?
Theo BS. Nguyên, ngộ độc tập thể hầu như năm nào cũng xảy ra, nhiều vụ có quy mô lớn như bếp ăn tập thể ở công ty, xí nghiệp, trường học, hội nghị…
Để nhận biết ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, BS. Nguyên cho rằng, khi có từ 2 người trở lên có cùng triệu chứng bệnh như nhau (nôn, đau bụng, tiêu chảy…) sau khi cùng ăn uống một số loại thực phẩm nghi ngờ thì phải nghĩ đến ngộ độc.
Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nôn ít, tiêu chảy ít và tự hết, không sốt hoặc sốt nhẹ, vẫn ăn uống được thì bệnh nhân có thể tự uống Orezol và điều trị tại nhà.
Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy mất nước nhiều, đau bụng nhiều, mệt nhiều, hoặc có các biểu hiện mà không phải do tiêu hóa, mất nước hay nhiễm trùng như tê bì, yếu cơ, liệt cơ, mờ mắt, đau đầu nhiều, lơ mơ, lẫn lộn, co giật, hôn mê, đau ngực, tiểu ít,… phải nhanh chóng tới cơ sở y tế.
Một điểm quan trọng nữa các nhân viên y tế, kể cả cộng đồng cần chú ý, khi phát hiện dấu hiệu báo hiệu vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc cần báo trực lãnh đạo ở bệnh viện, báo cơ quan y tế dự phòng, để ngay lập tức tổ chức sẵn sàng đáp ứng xử trí cấp cứu một tình huống ngộ độc hàng loạt, thảm họa...
"Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, cần kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các nguyên liệu, khử khuẩn khu bếp ăn, tách biệt thực phẩm sống với thực phẩm chín ở cả thực phẩm và vật dụng chế biến chứa đựng, nấu đảm bảo chín hoặc có các biện pháp khác đảm bảo tiêu diệt vi trùng, bảo quản an toàn tránh vi khuẩn phát triển...
Đặc biệt với các bếp ăn tập thể, tuyệt đối không được phép chủ quan, không được phép vì lợi nhuận trước mắt mà không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, trả giá bằng mạng sống con người", ông Nguyên khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận