Vận tải

Sau Cần Thơ, xe luồng xanh lại gặp khó khi giao hàng ở Gia Lai

26/08/2021, 20:22
image

Hàng loạt xe tải chở hàng bị “làm khó”, yêu cầu phải đổi tài xế người địa phương hoặc trung chuyển hàng mới được vào tỉnh Gia Lai.

Buộc đổi tài hoặc trung chuyển hàng

Chiều 26/8, phản ánh đến Báo Giao thông, tài xế Ng.V. T. (lái xe biển số tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Tôi điều khiển xe luồng xanh chở nguyên liệu sản xuất từ Long An đi Gia Lai. Đến 4h sáng 26/8 xe đến địa phận đầu tỉnh Gia Lai, đoạn cầu 110, đường Hồ Chí Minh nhưng không thể qua được chốt kiểm dịch để vào tỉnh giao hàng".

Theo tài xế này, lực lượng chức năng tại chốt buộc các xe phải đổi tài xế hoặc phải trung chuyển hàng nhưng điều này là bất khả thi.

img

Xe chở hàng bị “làm khó” khi vào tỉnh Gia Lai, phải xếp hàng dài từ địa phận tỉnh Gia Lai kéo sang tỉnh Đắk Lắk (Ảnh chụp chiều 26/8).

Tài xế T. cho hay, đối với những xe chỉ đi ngang qua tỉnh Gia Lai sẽ được lực lượng kiểm soát “niêm phong” cửa xe, xe chạy qua hết địa phận tỉnh sẽ có lực lượng tháo "niêm phong".

Riêng đối các với các xe có biển số của Bình Phước, Long An, Đồng Nai… vào tỉnh giao hàng đều không thể qua chốt.

"Khi hỏi cán bộ kiểm soát thì đùn đẩy cho nhau, không ai giải quyết.

Chốt kiểm dịch yêu cầu chúng tôi phải thay tài xế, hoặc sang hàng mới được vào. Trong khi đó, giá thuê tài quá đắt, thay tài với giá từ 2 đến 3 triệu đồng tùy xe, tài xế chúng tôi lấy đâu ra? Chúng tôi buộc phải nằm chờ từ 4h sáng đến chiều tối, mong được giải quyết nhưng cán bộ đùn đẩy cho nhau.

Xe chúng tôi đi từ Long An lên đây, qua các chốt bình thường, chỉ có chốt Gia Lai mới như vậy”, tài xế T. phán ánh.

>>> Video: Xe chở hàng bị “làm khó”, tài xế ăn mì tôm nằm chờ cả ngày ở Gia Lai:

Tương tự, rất nhiều tài xế khác cũng phải nằm chờ hàng giờ, không qua được chốt.

Đại diện một đơn vị vận tải tuyến Bình Dương - Mang Yang (Gia Lai) cho biết: “Toàn bộ xe doanh nghiệp đều đăng kí xe luồng xanh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch cho tài xế, 3 ngày test nhanh Covid-19 một lần, nhận hàng và giao hàng tại một điểm nhưng vào Gia Lai vẫn không thể qua chốt.

Từ ngày 24/8, xe của chúng tôi bị ách lại, không vào được tỉnh, lực lượng chức năng yêu cầu phải có xác nhận của giám đốc nhà máy tại tỉnh Gia Lai mới được vào. Khi mang giấy ra thì yêu cầu phải có chứng minh nhân dân của giám đốc.

Chúng tôi chụp qua điện thoại nhưng không được đồng ý, họ nó giám đốc phải ra trực tiếp. Nhưng với khoảng cách 70km, dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, đòi hỏi như vậy là làm khó chúng tôi".

Trước tình thế này, doanh nghiệp buộc phải đổi tài để vào. Tuy nhiên, thủ tục đổi tài rất phức tạp. Theo đó, tài xế phải có hộ khẩu ở Gia Lai, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ và có giấy xác nhận của xã, phường trong vòng 14 ngày không đi khỏi nơi cư trú.

"Thủ tục quá rườm rà, phức tạp, mà để làm được thủ tục trên tài xế phải tốn cả ngày nằm chờ”, đại diện doanh nghiệp trên phản ánh.

img

Các xe tải vào tỉnh Gia Lai bỏ hàng buộc phải đổi tài người địa phương hoặc trung chuyển hàng hóa khiến các phương tiện "không đủ điều kiện" phải xếp hàng dài nằm chờ.

"Kiểm soát để... ngăn dịch bùng phát"

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua có những xe từ vùng dịch chở người bên trong về Gia Lai nên rất khó kiểm soát dịch bệnh.

“Hiện TP.Pleiku đang lây lan dịch bệnh, nên bây giờ phải dừng các xe lại để kiểm tra. Theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Bộ GTVT là không kiểm tra tại chốt mà kiểm tra tại nơi giao hàng.

Nhưng ở Gia Lai khác các tỉnh là họ có nhà ga, có cảng, rất dễ kiểm tra, còn ở Gia Lai hàng hóa không tập trung, tài xế đi giao nhiều đại lý, làm sao đi kiểm tra hết từng chỗ được? Trong khi, Gia Lai khó khăn về lực lượng y tế, bệnh viện thiếu, nhân lực thiếu, nếu bùng phát lên khoảng 1.000 ca F0 sẽ nguy hiểm.

Do đó, tại chốt cầu 110 các xe ở tỉnh khác qua thì bình thường, còn xe ở trong vùng dịch (nơi thực hiện Chỉ thị 16) buộc phải có phương án.

Nếu chở hàng tập trung đến một đơn vị thì cho vào, đơn vị đó cam kết lái xe vào đó bỏ hàng xong, ngồi trong xe đi ra, đơn vị nhận hàng phải chịu trách nhiệm việc này. Còn những xe không bỏ hàng ở Gia Lai sẽ được “niêm phong” cửa, qua hết địa phận mới được mở.

Đối với những xe đi giao hàng lẻ thì dễ lây lan dịch bệnh, buộc Gia Lai yêu cầu có tài xế người Gia Lai tổ chức trung chuyển vào, nếu không có tài xế người Gia Lai thì bỏ hàng lại, gọi chủ hàng ra nhận", vị này nói và khẳng định Gia Lai "không làm sai chỉ đạo của Chính phủ, Gia Lai làm đúng”.

"Gia Lai đang xử lý linh động theo diễn biến hàng ngày nên không ra quy định nào cố định hết, có thể ngày mai ngày mốt dịch ổn định, xe đi như bình thường.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác chống dịch là trên hết. Hiện giờ ùn tắc không bao nhiêu, cùng lắm 1 tiếng, 2 tiếng hoặc nửa ngày vì trung chuyển hàng hóa, không phải ùn ắc 5- 7 cây số, không phải là tập trung đông rồi làm lây lan dịch bệnh. Không phải Gia Lai cấm cửa, nhưng hàng hóa vào phải có phương án, có tài xế đổi tài, hoặc xuống hàng rồi điều xe khác trung chuyển vào. Làm thế là không để Gia Lai vỡ trận", vị này nói thêm.

Trước đó, các tài xế chở hàng hóa vào TP.Cần Thơ cũng gặp tình cảnh tương tự, khiến tình trạng ách tắc cục bộ tại Bến xe khách trung tâm TP trong 2 ngày liên tiếp. Thậm chí, ngoài yêu cầu đổi tài, trung chuyển hàng hóa, Cần Thơ còn yêu cầu các xe đến đây giao nhận hàng hóa phải đăng ký trước với Sở Công thương.

Chiều 25/8, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo: “Các địa phương làm phát sinh thủ tục tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lưu thông hàng hóa là không được. Địa phương nào “đẻ” ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.