Bất động sản

Sau cơn "sốt" ảo, giá đất Ba Vì giảm sâu

19/05/2021, 10:04

Hiện tượng sốt đất “ảo” trong thời gian qua chủ yếu xảy ra trong dân và giao dịch trái pháp luật phát sinh trên nền đất nông nghiệp.

img

Khách "săn" đất Ba Vì trong cơn "sốt" ảo trước đó.

Công ty Cổ phần Định Anh, chủ sở hữu sàn giao dịch bất động sản Mogi vừa thông tin tới các khách hàng của mình bảng định giá đất thị trường tính đến cuối tháng Tư. (Bảng định giá có tính chất tham khảo).

Theo đó, giá đất nội thành tăng trở lại: Quận Ba Đình giao dịch trung bình 181 triệu/m2, tăng 2,5%; Quận Hoàn Kiếm trung bình 506 triệu/m2, tăng 5,6%; Hai Bà Trưng 165 triệu/m2, tăng 8,9%; giá giao dịch trung bình thấp nhất là Phúc Thọ, 9 triệu/m2...

Những huyện ngoại thành trước đó "sốt" giá ảo như: Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì quay đầu giảm. Cụ thể: Đan Phượng giao dịch trung bình 24,6 triệu/m2, giảm 17,9%; Thường Tín giao dịch trung bình 18,9 triệu/m2, giảm 37%.

Đáng chú ý là huyện Ba Vì, một trong những điểm nóng về đất, được "thổi" giá dựa vào hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng giảm 8,6%, giao dịch trung bình 13,4 triệu/m2. Nhà đất ven Đại lộ Thăng Long, địa phận xã Yên Bài trung bình 16,7 triệu/m2.

Đặc biệt, theo công bố của Công ty cổ phần Định An, nhà ven khu vực đường DT86, xã Thuỵ An - một xã thuần nông, hạ tầng chưa phát triển có giá hơn 1,7 triệu/m2.

img

Bảng định giá của Công ty CP Định Anh.

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều tối nay, anh Trịnh Văn Ngọc, một môi giới đất ở Ba Vì cho biết, giá đất ở mỗi xã khác nhau. Những xã có tiềm năng du lịch, quy hoạch đường lớn hay ngay cửa ngõ Thủ Đô như Yên Bài, Vân Hoà... giá dao động từ 5-9 triệu/m2 tuỳ từng vị trí.

Những xã thuần nông như: Thuỵ An, Quy Mông, Cẩm Lĩnh... vẫn có nhiều khu đất giá trên dưới 1 - 2 triệu/m2.

Cũng theo anh Ngọc, so với cuối năm 2020, giá đất đầu năm nay tăng khoảng 20-25%; Nhưng từ cuối tháng Tư sang tháng Năm thì thị trường bắt đầu trầm xuống.

Đơn cử như lô đất 40m2, cách đường QL 32 khoảng 100m thuộc thị trấn Tây Đằng, sau Tết nguyên đán, chủ nhà chào bán 20 triệu/m2, anh dẫn nhiều khách vào, họ trả xuống 2 giá mà chủ nhà nhất định không bán; Mấy ngày nay treo biển bán 17,5 triệu/m2 ( giảm 14%) lại không ai đoái hoài.

Hay lô đất 52m2, sâu hướng về phía thôn Vân Trai, sau Tết chủ nhà báo giá 18 triệu/m2, khách vào hỏi nhiều cũng không bán, cuối tháng vừa rồi lại ra nhờ bán, giá chào 16 tr/m2 (giảm 11%) nhưng cũng không mấy người hỏi.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tưởng - một người môi giới đất ven đô cho hay, dạo trước “hàng” chạy, căn nhà hơn 80 m2, 2 tầng, cách mặt đường QL 32 khoảng 50m, chủ nhà vừa bán 1,2 tỷ đồng (15 triệu/m2); 4 hôm sau chủ mới đã sang tay 1,4 tỷ (17,5tr/m2), lãi ngay 200 triệu. Nhưng từ ngày mua xong khoá cửa bỏ không, hôm trước có nhờ một số người rao bán nhưng không có người chấp nhận trả giá cao hơn.

Trước đó Báo Giao thông cũng đã có bài "Hết “sốt” ảo, đất ven đô Hà Nội dần hạ nhiệt", cảnh báo về tình trạng này.

Theo đó, đất nhiều vùng ngoại thành Hà Nội như: Nam An Khánh (Hoài Đức), Hải Bối (Đông Anh)... sau khi bị "thổi giá" lên chóng mặt đã bắt đầu giảm, giao dịch chững lại.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Giao thông cho thấy, mức giá 1,7 triệu/m2 nằm ở khu vực xã Vân Hòa, Ba Vì. Mức giá rất thấp này do đây là khu vực toàn đồng ruộng, gần các bãi đổ phế thải. Còn ở trung tâm xã, thời gian qua đã có giao dịch ở mức 3 - 4 triệu đồng/m nhà vườn cấp bốn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tượng sốt đất “ảo” trong thời gian qua chủ yếu xảy ra trong dân và giao dịch trái pháp luật phát sinh trên nền đất nông nghiệp.

Người mua và người bán giao dịch kiểu viết tay, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Theo ông Đính, nguyên nhân hiện tượng trên là do nhu cầu đầu tư của người dân tăng cao. Trong khi đó dự án chính thức, đúng pháp luật, được Nhà nước công nhận khan hiếm.

Từ đó dẫn đến việc nhà đầu tư “lần mò” đầu tư những lô đất ruộng, đất nền theo “sóng”, phát sinh những giao dịch trái quy định. Đa số người mua găm chờ tăng giá.

Nhưng theo quy luật thị trường, khi giá lên đỉnh, không thể sinh lời, đất không có người mua nữa thì giá đứng lại và đi xuống, nhà đầu tư lại ồ ạt bán cắt lỗ.

Thường những nhà đầu tư đến sau, mới vào nghề ôm đất sẽ hứng chịu rủi ro. Bên cạnh rủi ro giá xuống còn rủi ro do giao dịch trao tay. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm họ thường đứng ngoài cuộc hoặc chỉ lướt nhanh đỉnh “sóng”, rút sớm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.