Các cuộc tấn công mạng có khả năng gây tổn thất cho nền kinh tế Hàn Quốc đến 25 tỉ USD |
Sau những đe dọa hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên đã sử dụng “chiêu bài” tấn công mạng khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang.
Nguồn gốc tấn công từ Trung Quốc, châu Phi, Bình Nhưỡng
Triều Tiên đã xâm nhập vào hơn 140.000 máy tính của các tập đoàn và cơ quan Chính phủ Hàn Quốc, đồng thời cài các mã độc với ý đồ tiến hành một vụ tấn công mạng máy tính quy mô lớn, theo Yonhap ngày 13/6.
Mạng nội bộ của 2 tập đoàn viễn thông khổng lồ SK Group và Tập đoàn Hanjin cũng bị xâm nhập, hơn 42.000 tài liệu, trong đó có nhiều thông tin quân sự mật bị lấy cắp và xóa dữ liệu. Trong số tài liệu nghi ngờ bị “tấn công đột nhập” có bản đồ thiết kế cánh của chiến đấu cơ F-15 của Mỹ và các bộ phận của máy bay không người lái.
Theo cảnh sát Hàn Quốc, vụ xâm nhập bắt nguồn từ một địa chỉ mạng ở Thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) có cài mã độc và nhằm vào một phần mềm quản trị hệ thống máy tính được 160 công ty và cơ quan chính phủ sử dụng. Hồi tuần trước, cảnh sát Hàn Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên gửi một số lượng lớn email nhiễm độc nặc danh cho người Hàn Quốc, đặc biệt là cho các nhà báo và giới chuyên gia.
Đơn vị điều tra an ninh mạng đã phát hiện và làm việc với các đơn vị bị ảnh hưởng để vô hiệu hóa mã độc, đồng thời ngăn chặn các mã này được sử dụng trong một vụ tấn công mạng máy tính quy mô lớn.
Trong khi đó, ngày 14/6, Yonhap dẫn lời ông Koh Young-hwan, Phó Chủ tịch Viện Chiến lược an ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã chuẩn bị cho các vụ tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc từ một địa điểm ở châu Phi để xóa các dấu vết về vụ tấn công mạng. Việc chuẩn bị cho cuộc tấn công mạng cũng được thực hiện ở 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á cũng như tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, địa điểm tại châu Phi được phát hiện ra đầu tiên.
Ông Koh Young-hwan không tiết lộ cụ thể là nước nào ở châu Phi. Ông này từng làm việc tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Congo trước khi bỏ sang Hàn Quốc năm 1991.
Đầu tư chiến tranh mạng rẻ hơn đầu tư vũ khí
Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên bị cáo buộc sử dụng “cuộc chiến tranh mạng”. Năm 2013, nhiều ngân hàng và hãng truyền thông của Hàn Quốc đã rơi vào hỗn loạn do tin tặc đánh sập hệ thống gồm 48.000 máy tính, trong chiến dịch có tên “Dark Seoul”. Năm 2014, hệ thống máy tính của một nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc lại bị tê liệt do tin tặc xâm nhập. Hồi tháng 4/2015, phía Hàn Quốc điều tra và có những chứng cứ rõ ràng về về những “mã độc” do tin tặc của Triều Tiên sử dụng trong các cuộc tấn công mạng.
Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi đầu năm nay, Hàn Quốc từng cảnh báo về nguy cơ tấn công mạng. Hồi tháng 3, cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng cho biết, đã can thiệp và ngăn chặn một vụ xâm nhập hệ thống máy tính điều khiển hệ thống giao thông, được cho là do Triều Tiên tiến hành.
Vụ việc mới nhất này cũng khiến Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể mở rộng chiến tranh mạng nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Mỹ từng cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures dẫn đến việc phòng thu của hãng này phải ngừng phát một vở kịch dựa trên một tác phẩm hư cấu về vụ ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo giới phân tích tại Mỹ, về khía cạnh tấn công mạng, dù Triều Tiên không phải là mối đe dọa lớn nhất nhưng đôi khi những đối thủ nhỏ có thể tìm thấy các điểm yếu của một hệ thống phức tạp và gây ra những thiệt hại lớn.
Giới chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo Bình Nhưỡng đang đổ tiền đầu tư vào “chiến tranh mạng” vì chi phí rẻ hơn nhiều so với đầu tư vào vũ khí thông thường. Thêm vào đó, chiến tranh mạng có thể gây tổn hại nền kinh tế của Hàn Quốc một cách dễ dàng hơn. Báo cáo của Viện Kinh tế công nghiệp và Thương mại Triều Tiên ước tính trong cuộc tấn công “Dark Seoul”, Hàn Quốc đã bị tổn thất khoảng 820 triệu USD. Báo cáo này dự đoán đến năm 2020, các cuộc tấn công mạng có khả năng gây tổn thất cho nền kinh tế Hàn Quốc đến 25 tỉ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận