Vận tải

Sau điều chuyển luồng tuyến vẫn lo xe dù, bến cóc

16/01/2017, 13:42
image

Sau hơn nửa tháng thực hiện điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, tình trạng xe khách chạy xuyên tâm giảm hẳn...

7

Xe khách Đức Phúc vẫn chạy xuyên tâm trên đường Vành đai 3 (Chụp chiều 2/1) - Ảnh: Thiện Anh

Sau hơn nửa tháng thực hiện điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội, tình trạng xe khách chạy xuyên tâm giảm hẳn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều mối lo cho cả các cơ quan chức năng lẫn nhà xe, trong đó có vấn đề lượng khách chưa nhiều, xe bỏ tuyến, làm nảy sinh xe dù, bến cóc

Kỳ 1: Nhiều xe điều chuyển chưa về bến mới

Hiện, vẫn còn không ít nốt của các nhà xe được điều chuyển chưa về bến mới. Lý giải của các bến và nhà xe là do lượng khách còn ít.

17 nốt xe chưa về bến Mỹ Đình

Trong đợt điều chuyển luồng tuyến lần này, bến xe Giáp Bát tiếp nhận 20 chuyến/ngày, bến xe Gia Lâm tiếp nhận 10 chuyến/ngày, bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 48 chuyến/ngày, bến xe Mỹ Đình tiếp nhận 123 chuyến/ngày và nhiều nhất là bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 440 chuyến/ngày. Đến nay, cơ bản các bến đã tiếp nhận đầy đủ theo đúng kế hoạch. Các bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm và Mỹ Đình đã tiếp nhận 100% xe. Tuy nhiên, tình trạng chung của các bến là xe khá ít khách. Gần như xe nào xuất bến cũng chỉ có vài khách. Ngay cả các tuyến cũ cũng vắng.

Ghi nhận của PV tại bến xe Nước Ngầm những ngày qua, dù lượng xe đến bến tăng nhưng trong bến vẫn rất ổn định, thông thoáng, bố trí các khu chức năng và dịch vụ rất hợp lý, không có cảnh chen lấn, ùn tắc trong và trước cửa bến.

Theo Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Như Trúc, chưa khi nào bến lại thiếu nhộn nhịp như hiện nay. Tất cả các xe điều chuyển đến đều được tạo điều kiện để hoạt động ổn định và tìm kiếm hành khách. Về nguyên nhân khách vắng một phần do chưa đến cao điểm nghỉ Tết. Phần khác do các xe chỉ về được đầu bến ở các hướng nên hành khách đi liên tỉnh từ hướng Nam sang các tỉnh ở hướng Bắc không kết nối được.

Đáng ngại hơn, hiện vẫn còn khoảng 17 nốt chưa về bến Mỹ Đình. Các nốt này bao gồm xe đi Chợ Đồn (Bắc Kạn) của nhà xe Thưởng Nga xuất phát lúc 13h hàng ngày; Xe đi Tuyên Quang của Công ty CP vận tải Tuyên Quang xuất phát lúc 13h5 và xe của Công ty Bảo Yến xuất phát lúc 18h25; Xe Chiêm Hóa của Công ty Hoàng Yến xuất phát lúc 5h30; Xe đi Na Hang (Tuyên Quang) của Công ty Bảo Yến xuất phát lúc 18h30; Xe đi Yên Bái của Công ty Bảo Châu xuất phát lúc 4h45; Xe đi Thác Bà của HTX vận tải Quyết Tiến xuất phát lúc 14h; Xe đi Hà Giang của HTX Hoa Lư xuất phát lúc 4h30; Xe đi Định Hóa của nhà xe Dũng Thủy xuất phát lúc 7h10...

Xem thêm video:

Nhiều nốt xe trùng giờ

Về lý do các xe chưa về bến, ông Trúc cho biết, có thể các nhà xe này đang trong thời gian chuyển đổi phương tiện cho phù hợp hơn. “Cũng có thể các nhà xe thấy vắng khách quá nên chưa đưa xe về. Một số tuyến sau khi chuyển đổi trùng giờ hoặc thời gian xuất bến quá gần nhau”, ông Trúc nói.

Tương tự, tại bến xe Nước Ngầm, sau điều chuyển cũng có nhiều nốt trùng giờ. Tìm hiểu của PV, quan tâm nhất đối với các nhà xe hiện nay là thời gian xuất bến quá gần nhau. Tại bến xe này, riêng tuyến Hà Nội - Vinh, trung bình 10 phút/chuyến xuất bến từ sáng đến chiều tối. Tuyến Thái Bình cũng tương tự. Trong khi đó, lượng khách giảm mạnh cộng thêm lịch xuất bến quá dày khiến các nhà xe rất ít khách khi xuất bến.

Thống kê tại bến xe Mỹ Đình, có 3 nốt đang bị trùng giờ gồm xe đi Thái Nguyên của hai nhà xe Vũ Hoàng và Nam Việt Vịnh cùng xuất phát lúc 8h30; Xe đi Cao Bằng của hai nhà xe Thăng Long và Công ty CP vận tải Cao Bằng cùng xuất phát lúc 22h; Xe đi Yên Bái của hai xe BKS 21H-4457 và 21B-005.64 cùng xuất phát lúc 9h10.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Trung, Quản lý văn phòng xe của Công ty Vận tải Phiệt Học (Thái Bình) cho biết, trước ở bến xe Mỹ Đình, mỗi lần xe xuất bến có khoảng 30 khách, nhưng khi chuyển về bến xe Nước Ngầm, hành khách chưa quen nên chỉ có khoảng chục khách mỗi xe xuất bến.

Tại bến xe Yên Nghĩa vẫn còn 2 nhà xe của hai tuyến Kon Tum và Ninh Bình chưa về bến. Trao đổi với Báo Giao thông sáng 11/1, ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến xe Yên Nghĩa cho biết, các tuyến xe khách điều chuyển về bến gồm xe đi các tỉnh Điện Biên, Sơn La, các tuyến huyện của tỉnh Thanh Hóa, Đắk Nông, Nho Quan (Ninh Bình). Về lượng hành khách, ông Trường cho biết, chưa tăng nhiều, cần phải có thời gian để hành khách cũng như các nhà xe làm quen với sự thay đổi. Hiện, công suất của bến xe Yên Nghĩa mới chỉ đạt khoảng 1/3. “Theo công suất thiết kế, bến xe có thể thực hiện 1.500 chuyến/ngày, nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 550 chuyến/ngày”, ông Trường nói.

8

Các xe được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đã về bến xe Nước Ngầm - Ảnh: Tạ Tôn

Công suất của bến xe Nước Ngầm vẫn còn dư

Trao đổi với Báo Giao thông về thực tế trên, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, còn một số xe điều chuyển về bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Nước Ngầm chưa về bến. Nguyên nhân do một số tuyến vận tải có hành trình hoạt động thực tế không đồng nhất với hành trình tại quy hoạch đã được phê duyệt như: Tuyến Nước Ngầm - Kon Tum; Tuyến Mỹ Đình đi các huyện Thọ Xuân, Quan Sơn, Quán Lào của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, khi thực hiện sắp xếp điều chuyển một số tuyến không thực hiện được.

Thực tế, trong đợt điều chuyển này, “điểm nóng” nhất là bến xe Nước Ngầm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp vận tải lo ngại đây là bến tạm, đất của bến xe phải đi thuê nên lo ngại sẽ phải điều chuyển thêm lần nữa.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV Báo Giao thông đã làm việc với ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình. Ông Lập khẳng định, hiện toàn bộ diện tích bến xe đã được cấp sổ đỏ từ lâu. Hơn nữa, công suất của bến đã được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt có thể thực hiện hơn 1.100 chuyến xe/ngày. Sau điều chuyển, bến vẫn chỉ thực hiện gần 900 xe/ngày. Như vậy, công suất vẫn dư thừa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.