Công Phượng không để lại bất kỳ dấu ấn nào dù được sử dụng khá nhiều. |
Lỗ hổng Ngọc Hải
Khi VFF nhất quyết không để HLV Toshiya Miura triệu tập Quế Ngọc Hải lên tuyển, giới chuyên môn đã bày tỏ sự lo lắng cho hàng thủ U23 Việt Nam. Cầu thủ người Nghệ An có tố chất thủ lĩnh đồng thời là một chốt chặn rất đáng tin cậy. Chẳng phải bỗng dưng từ U23 đến ĐTQG, nhà cầm quân người Nhật đều đặt hoàn toàn niềm tin vào cầu thủ đang chịu án treo giò của VFF. Thiếu vắng Ngọc Hải, hàng thủ Việt Nam thiếu một chiến binh, thiếu một người hô hào và tất nhiên sự gắn kết gần như không có.
Ở cả hai trận đấu với Selection, HLV Miura liên tục xoay thua bộ tứ vệ. Khi thì là Mạnh Hùng - Hoàng Lâm - Tiến Dũng - Huỳnh Tấn Tài; Khi lại là Thanh Hiền - Hoàng Lâm - Duy Khánh - Đông Triều hoặc Huỳnh Tấn Tài - Trọng Đại - Nam Anh - Văn Dũng hay Tấn Tài - Tiến Dũng - Duy Khánh - Thanh Hiền. Điều này chứng tỏ nhà cầm quân người Nhật chưa thể tìm ra được bộ khung ưng ý nhất, đặc biệt là cặp trung vệ.
Nếu như trận đấu đầu tiên là thảm họa của hàng thủ U23 Việt Nam khi các tiền đạo đối phương chơi bóng như chỗ không người, thoải mái dứt điểm hết lần này tới lần khác thì tới trận thứ hai mọi thứ có vẻ thay đổi tích cực hơn. Các hậu vệ áo đỏ chịu khó liên lạc với nhau, bọc lót cho nhau tốt hơn. Mặc dù vậy, những pha xử lý trước khung thành U23 Việt Nam vẫn thiếu sự dứt khoát cần thiết. Cụ thể như tình huống dẫn tới bàn thua từ cú sút của Sugai Shinya, không một cầu thủ chủ nhà nào áp sát, cản phá.
Bàn thua đó cũng cho thấy hàng thủ U23 Việt Nam rất kém chịu áp lực bởi trước khi xé lưới Minh Hoàng, JFL Selection đã dâng cao đội hình, tấn công dồn dập.
Hàng công vô hại
Nếu như hàng thủ đã có sự tiến bộ nhất định thì hàng công U23 Việt Nam cũng chơi có phần khởi sắc hơn. Ở trận lượt đi, gần như U23 Việt Nam không có nổi một cơ hội nào đáng kể nhưng khi tái đấu, các chân sút áo đỏ đã tạo được nhiều tình huống dứt điểm. Chỉ có điều, hiệu quả vẫn dừng lại ở con số không tròn trĩnh. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi trong tay HLV Miura đang có đầy đủ những tiền đạo tốt nhất.
Giống như bộ tứ vệ, hai vị trí tiền đạo được ông thầy người Nhật hoán đổi, xáo trộn liên tục. Thế nhưng, HLV Miura “thử” mãi mà vẫn chưa tìm ra “nghiệm”. Cái tên được kỳ vọng nhất là Công Phượng không để lại bất kỳ dấu ấn nào dù được sử dụng khá nhiều. Hồ Tuấn Tài như mọi khi vẫn rất xông xáo nhưng thiếu đi sự tinh tế nên thường không tạo được đột biến còn Thanh Bình thì chơi quá “bình bình”. Có chăng, điểm sáng duy nhất trên hàng công U23 Việt Nam là tiền đạo Văn Toàn. Cầu thủ nhỏ con này chịu khó di chuyển, tranh chấp, phối hợp cùng đồng đội. Thế nhưng,yếu tố quan trọng nhất là bàn thắng thì Toàn cũng chẳng khá hơn các đồng đội.
Việc hàng công U23 Việt Nam kém hiệu quả còn do đôi cánh không đáp ứng được yêu cầu chiến thuật. Dưới thời HLV Miura, hai tiền vệ cạnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là then chốt để dẫn tới chiến thắng. Miếng đánh quen thuộc của U23 Việt Nam là tiền vệ cánh dẫn bóng xộc vào vòng cấm rồi chuyền ra để tiền đạo hoặc tuyến hai ập vào dứt điểm. Khi có cơ hội, hai tiền vệ cánh cũng sẵn sàng dứt điểm.
Không may cho ông Miura là cả Huy Toàn và Ngọc Thắng, hai “mũi tên” lợi hại nhất đều phải nói lời chia tay sớm do chấn thương. Thiếu vắng bộ đôi Đà Nẵng, mặt trận tấn công của U23 Việt Nam thiếu sức sống trông thấy. Đức Huy, Lâm Ti Phông, Văn Toàn, Thanh Bình… lần lượt đều được cho thử sức ở hai cánh nhưng chưa cái tên nào chơi được bằng một nửa của Huy Toàn, Ngọc Thắng. Cộng thêm việc tuyến giữa không có được sự phục vụ của những chân chuyền tốt nhất như Tuấn Anh, Duy Mạnh, Hữu Dũng, dễ hiểu khi U23 Việt Nam bế tắc trong việc tìm kiếm bàn thắng.
Với ngần ấy khó khăn, rõ ràng HLV Miura sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước khi nghĩ tới chuyện tạo bất ngờ tại VCK U23 châu Á 2016.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận