Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT), đợt hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay đã vượt kỷ lục năm 2016.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia khí tượng lo ngại khi dẫn ra số liệu thống kê thực tế cho thấy, sau hạn hán kỷ lục sẽ xảy ra mưa đặc biệt lớn tại Nam Bộ.
Điển hình, ngay sau đợt hạn hán năm 2015 - 2016, có tới 4 đợt mưa lũ lớn kéo dài vào tháng 11, 12/2016 gây thiệt hại lớn tại Nam Trung Bộ.
Cụ thể, tổng lượng mưa cả 4 đợt lên tới 2.700mm (huyện Trà My, Quảng Nam có lượng mưa 2.611mm, Minh Long, Quảng Ngãi lên tới 2.729mm) gây ngập lụt tại 12 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận) làm 129 người chết, mất tích, 237.364 nhà hư hại, ngập nước, thiệt hại kinh tế trên 10.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiếp sau trận hạn hán xảy ra gay gắt từ cuối mùa hè 1963 đến mùa hè 1964 tại khu vực Nam Trung Bộ, đã xảy ra trận mưa lớn gây lụt lội mà người dân vẫn gọi là "đại hồng thủy 1964" làm gần 6 nghìn người chết.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; Trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Cũng theo dự báo, mùa mưa khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu vào khoảng 10 ngày cuối tháng 5/2020.
Từ tháng 6-9/2020, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Tuy nhiên, sang tháng 10/2020, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-30% so với TBNN.
Đặc biệt, trong tháng 11/2020, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có tổng lượng mưa cao hơn từ 20-40% so với TBNN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận