Xã hội

Sau hội nghị với Thủ tướng, doanh nghiệp FDI cam kết đầu tư gần 4 tỷ USD

22/04/2023, 15:13

Tại hội nghị quy mô lớn nhất từ trước tới nay, các doanh nghiệp FDI cam kết đầu tư với tổng số vốn gần 4 tỷ USD

Sáng 22/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Cam kết đầu tư với tổng số vốn gần 4 tỷ USD

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan, 37 điểm cầu doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị cũng có sự tham dự của Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội, Giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 180 đại biểu đại diện cho các DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá: "Với 100 đầu cầu trong nước và 83 đầu cầu nước ngoài, đây là hội nghị trực tiếp, trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với các nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các cam kết đầu tư sau hội nghị với tổng số vốn gần 4 tỷ USD".

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, trong những năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả tăng cao.

"Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư đều chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành với Việt Nam. Người Việt Nam có câu: Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Người Việt Nam vốn rất linh hoạt, cộng với sự chia sẻ, đồng hành và linh hoạt của các nhà đầu tư thì nhất định các khó khăn sẽ được xử lý, thách thức sẽ được vượt qua", Thủ tướng nói.

img

Sự kiện có sự tham gia của 180 đại biểu đại diện cho các DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh.

Trong đó, việc Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) chuẩn bị kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động FDI trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Hội nghị thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình chung khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tác động, ảnh hưởng đa chiều đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Thủ tướng, tình hình lúc nào cũng có những khó khăn, hết khó khăn nay lại đến khó khăn khác cần giải quyết. Quan trọng là phải tăng cường phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam để có đối sách phù hợp.

"Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"

Để gỡ rối những khó khăn của doanh nghiệp và thu hút đầu tư, Thủ tướng chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với cả phía bộ, ngành, địa phương và phía doanh nghiệp.

Trước hết, với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển" nhưng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; phát triển thị trường trong nước gắn với mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…

img

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển

Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị.

"Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI có tính lan tỏa cao, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tiếp đó, bên cạnh việc tuân thủ đúng pháp luật, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đặc biệt là "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.