Đăng kiểm

Sau khủng hoảng, đăng kiểm đang thay đổi thế nào?

01/06/2023, 17:34

Dưới sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, ngành đăng kiểm đã nỗ lực tự soi, tự sửa, dần lấy lại niềm tin của người dân.

Đứng lên từ vấp ngã

16h chiều 31/5, tại Trung tâm đăng kiểm 2903V (Cầu Giấy, Hà Nội), ghi nhận của PV Báo Giao thông, không còn tình trạng hàng dài xe xếp hàng chờ đăng kiểm hay người người nhốn nháo chờ phát phiếu hẹn như cách đây hơn 2 tháng.

img

Sau những vấp ngã, toàn lĩnh vực đăng kiểm đã tự soi, tự sửa, đứng dậy nỗ lực phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới chính đáng của người dân và doanh nghiệp

Anh Phạm Ngọc Duy (trú tại quận Cầu Giấy) cho biết, ngày mai (1/6), chiếc ô tô Honda CR-V của gia đình anh hết hạn đăng kiểm nên chiều nay, anh tranh thủ đến trung tâm đăng kiểm để lấy phiếu hẹn.

“Không ngờ lại vắng như thế, sau khi xác nhận xe tôi ngày mai hết hạn kiểm định, đăng kiểm viên đã hỗ trợ, hướng dẫn cho xe vào xếp hàng để chờ đăng kiểm luôn trong chiều nay”, anh Duy vui mừng nói và cho biết: Sau khi hàng loạt các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị khởi tố, tôi không còn nghe thấy cụm từ đi đăng kiểm phải “bồi dưỡng” cho đăng kiểm viên như trước, dù mọi người vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ các chủ xe.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, sau khi Cục Đăng kiểm VN mở thêm tính năng đăng ký lịch hẹn đăng kiểm online cho các doanh nghiệp, đơn vị đã dễ dàng đăng ký và theo dõi lịch hẹn kiểm định cho loạt xe đến hạn kiểm định.

“Để thuận tiện cho tài xế di chuyển, hầu hết các phương tiện của đơn vị được đăng ký kiểm định tại TTĐK 2911D (Chương Mỹ, Hà Nội), một vài xe kiểm định lần đầu không đạt do một số lỗi kỹ thuật nhưng các đăng kiểm viên hướng dẫn lái xe khắc phục rất nhiệt tình, không hề có bất kỳ sự gợi ý nào để bỏ qua lỗi. Nhờ đó, phương tiện của đơn vị cũng đảm bảo chất lượng, an toàn hơn khi vận hành chở khách cũng yên tâm hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Trước đó, từ cuối tháng 10/2022, đăng kiểm Việt Nam đã trải qua nhiều biến động đầy đau xót, cơ quan công an đã tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông. Hơn 600 cán bộ, đăng kiểm viên đã bị khởi tố, bắt giữ với nhiều tội danh dẫn đến 106/281 TTĐK bị kiểm tra, khám xét, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi hàng loạt sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm bị phát hiện và xử lý, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm VN đã thực hiện nhiều giải pháp. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm cũng đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị đăng kiểm, người dân vẫn còn phản ánh về việc đăng ký kiểm định từ tháng 5 nhưng tháng 8 mới đến lượt kiểm định.

Do đó, đề xuất cho áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới theo Thông tư 02/2023 đối với các xe cá nhân dưới 9 chỗ của Bộ GTVT là hợp lý và cần triển khai nhanh chóng, kịp thời để tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Thay vì phải kiểm định cho khoảng 1,4 triệu phương tiện này, các đơn vị đăng kiểm sẽ được giảm tải và tập trung thực hiện kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và phương tiện đến hạn kiểm định, giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để xảy ra quá tải đăng kiểm, lỗi không phải của người dân mà từ công tác quản lý lĩnh vực kiểm định. Do đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp nhanh chóng để giải quyết căn bản thực trạng này, đưa hoạt động kiểm định trở lại bình thường" - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm VN, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận đây là vụ việc để lại hậu quả đau xót đối với các thế hệ lãnh đạo, những người đã và đang là công chức, viên chức, người lao động của Cục Đăng kiểm nói riêng và Bộ GTVT nói chung.

“Không còn con đường nào khác, Cục Đăng kiểm phải nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh đến cùng với tình trạng thoái hoá, biến chất, kể cả phải thay đến 100% cán bộ đăng kiểm cũng phải làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận thức sâu sắc những sai phạm, tự soi tự sửa, vấp ngã phải đứng dậy.

Để nhanh chóng ổn định hoạt động của Cục Đăng kiểm nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quan trọng được Đảng và nhân dân giao phó, sáng 11/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Chiến Thắng làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN.

Nhiệm vụ quan trọng được Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho ông Thắng là "bằng mọi cách sớm khôi phục hoạt động đăng kiểm trên cả nước thông". Cùng với việc nhanh chóng tiếp nhận lực lượng đăng kiểm viên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, sắp xếp vào các đơn vị phục vụ hoạt động kiểm định của người dân, cần khẩn trương huy động điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác, đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, đăng kiểm viên nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ và đảm bảo trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tăng cường cho các TTĐK; khẩn trương tuyển dụng, đào tạo để bù đắp lực lượng thiếu hụt.

Đến nay, cùng với việc tiếp nhận các đăng kiểm viên từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Đăng kiểm cho biết, đã tuyển dụng mới 98 viên chức, đăng kiểm viên; tổ chức đánh giá, công nhận 110 đăng kiểm viên đã hoàn thành thực tập; tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên cho 100 học viên để nhanh chóng bổ sung nhân lực cho các TTĐK.

Cơ quan này cũng đã xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe, tiết kiệm thời gian cho người dân khi đưa phương tiện đến kiểm định; đồng thời khắc phục tình trạng “cò mồi” lợi dụng tâm lý muốn đăng kiểm nhanh của các chủ phương tiện để cấu kết để làm luật.

Đáng chú ý, để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, ngày 22/3, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023 với nhiều quy định mới như: Miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới và Điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp, mới đây, Bộ GTVT đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021.

Dự thảo đề xuất cho phép áp dụng ngay chu kỳ đăng kiểm mới theo Thông tư 02/2023 đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ không đăng ký kinh doanh vận tải, cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định đối với loại xe này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, quy định miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới và điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới là quyết định mang tính đột phá của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao trong bối cảnh hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thời gian tới, ông Tạo cho rằng cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 cho phép các ô tô con không kinh doanh vận tải tự động giãn ngay chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới ở Thông tư 02/2023.

"Chỉ có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải đăng kiểm, giúp tiết kiệm chi phí, công sức cho chủ xe, doanh nghiệp", ông Tạo nhấn mạnh.

Quyết liệt ngăn sai phạm, tiêu cực trong đăng kiểm

img

Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN đã và đang, sẽ triển khai nhiều giải pháp để hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm

Theo Cục Đăng kiểm VN, nhờ thực hiện đồng bộ những giải pháp trên, tính đến ngày 22/5, cả nước đã có 72 TTĐK hoạt động trở lại, nâng tổng số TTĐK đang hoạt động lên 249/281. Riêng tại Hà Nội đã có 26/31 và tại TP.HCM đã có 16/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động.

Để hạn chế sai phạm của các TTĐK, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để khắc phục những sơ hở, tồn tại, bất cập đã phát sinh trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, đảm bảo việc thành lập các TTĐK phù hợp với thực tiễn số lượng phương tiện gia tăng của từng vùng, từng địa phương tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đi kiểm định phương tiện; Quy định chặt chẽ về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của TTĐK theo hướng tự động hóa, hạn chế tối đa các hạng mục kiểm tra thủ công.

Đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình kiểm định theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện cũng như đáp ứng yêu cầu trong công tác thanh tra, kiểm tra; Nâng cao trình độ nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo các TTĐK xác định rõ mục tiêu hoạt động kiểm định là hoạt động cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới để phục vụ xã hội thay vì lấy mục tiêu lợi nhuận để vi phạm các quy định như trong thời gian vừa qua.

Song song với đó, xây dựng mới hệ thống phần mềm quản lý kiểm định đồng bộ theo hướng quản lý giám sát công tác kiểm định phương tiện trong thời gian thực (online), đảm bảo tính bảo mật và hạn chế can thiệp, sửa chữa đến kết quả kiểm định phương tiện.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, đơn vị này cũng đã bổ sung các chế tài xử lý đối với đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên và nhân viên về các hành vi tự ý đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định, từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định… gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Cục Đăng kiểm cũng đang xây dựng phương án giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới mới phù hợp với thực tế hiện nay nhằm đảm bảo thu nhập cho đơn vị đăng kiểm, người lao động, hạn chế tiêu cực để trình Bộ GTVT thẩm định theo quy định.

Đáng chú ý, Bộ GTVT đang tiếp tục trình Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tận dụng các nguồn lực của xã hội tham gia công tác kiểm định xe cơ giới; khẩn trương áp dụng công nghệ mới...

Gần đây nhất, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho tiến hành xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”.

Đề án định hướng phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm (dịch vụ công); xác định rõ những nội dung quản lý Nhà nước do Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT thực hiện; tiếp tục phân cấp về công tác đăng kiểm giữa Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam với chính quyền địa phương.

Đề án cũng làm rõ định hướng, lộ trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.