Là nước đầu tiên và duy nhất nói “Không” với James Bond, Việt Nam đã gây chấn động làng phim châu Á và thế giới vào năm 1997 (Khung cảnh “giả vờ” là Việt Nam được quay tại Thái Lan) |
Để được lựa chọn là phim trường Hollywood nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người “hút” khách du lịch, Việt Nam cần những cam kết đặc biệt về những ưu đãi khuyến khích sản xuất phim (tiếng Anh tạm gọi là Move Production Incentives) cho các đoàn làm phim.
Nhiều nước ưu đãi, khuyến khích sản xuất phim
Vào những năm 1990, để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến Mỹ quay phim, quốc gia này đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để tăng tính cạnh tranh, các bang đã đưa ra các chính sách ưu đãi cạnh tranh. Những ưu đãi bao gồm các khoản tín dụng thuế và miễn thuế. Các gói khuyến khích khác bao gồm trợ cấp tiền mặt hoặc các đặc cách đẩy nhanh tiến độ cấp phép, cấp visa…
Tại Pháp, các đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu tối thiểu là 1,5 triệu USD hoặc 50% tổng ngân sách sản xuất sẽ được hoàn thuế 30%. Theo Screendaily, tại Thái Lan, phim trường lớn nhất châu Á cũng đang chuẩn bị lộ trình để nhanh chóng gia nhập Incentives. Theo đó, từ tháng 1/2017, các tác phẩm điện ảnh nước ngoài dựng ở Thái Lan có kinh phí trên 1,5 triệu USD sẽ được hỗ trợ 15% kinh phí. Những bộ phim có diễn viên Thái Lan là nhân vật chính hoặc tham gia sẽ được hỗ trợ 3%. Các bộ phim đem lại những lợi ích đặc biệt trong việc thúc đẩy hình ảnh của Thái Lan sẽ được hỗ trợ 2%.
Vào quay tại Việt Nam, phải qua bao thủ tục?
Việt Nam chưa gia nhập Incentives, các đoàn làm phim nước ngoài đến đây đều trải qua những thủ tục xin cấp phép hành chính, kéo dài thời gian với nhiều bộ, ngành liên quan khác nhau. Theo nguồn tin từ Bộ VH,TT&DL cung cấp cho Báo Giao thông, có hai loại phim của nước ngoài được xin quay tại Việt Nam. Phim tài liệu nhằm quảng bá ẩm thực, du lịch Việt Nam thì phải xin giấy phép hoạt động báo chí, do Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao cấp, cùng đó phải có cán bộ chuyên trách đi theo giám sát. Còn là phim điện ảnh, các nhà làm phim nước ngoài phải nộp kịch bản cho Cục Điện ảnh giám định, thông thường mất khoảng một tháng để giám định, cắt những cảnh quay nhạy cảm. Bước tiếp đến, Cục Hợp tác quốc tế ra quyết định đồng ý cho quay khi Cục Điện ảnh duyệt xong.
Và tùy theo nội dung phim liên quan đến bộ, ngành nào thì đoàn làm phim tự làm việc. Nếu trong phim có liên quan đến cháy nổ, máy bay thì phải xin phép Bộ Quốc phòng; Có thuốc men, thực phẩm xin phép Bộ Y tế, phương tiện đi lại phải xin phép Bộ GTVT; Bộ đàm, liên lạc thì xin phép Bộ Thông tin - Truyền thông. Ngoài ra, xin phép các địa phương có địa điểm quay… Nhìn chung, một bộ phim để quay trọn vẹn thì giấy tờ cũng dày cả cặp hồ sơ.
Cùng với các giấy phép “thông hành” cho bộ phim nước ngoài, đoàn làm phim phải chịu mức thuế. Nguồn tin từ một cán bộ hải quan tại CHK sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay phim, khi nhập các đạo cụ, trang thiết bị vào Việt Nam sẽ làm thủ tục tạm nhập, tái xuất. Trong quá trình quay phim tại Việt Nam sẽ được miễn thuế. Thời hạn tạm nhập của các đạo cụ, trang thiết bị của đoàn làm phim ở Việt Nam sẽ tùy theo thủ tục hồ sơ đoàn làm phim làm việc với hải quan như có những giấy tờ gì, ký kết tạm nhập tái xuất như thế nào, thỏa thuận thời hạn của quay phim.
Tuy nhiên, nếu các đoàn làm phim nước ngoài mua các đồ, dụng cụ, vật dụng tại Việt Nam, họ sẽ phải mất thuế giá trị gia tăng. Nếu có những cửa hàng, mặt hàng được hoàn thuế trong danh sách, các đoàn làm phim sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng tại cửa khẩu sân bay.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) cho biết, những dự án thông thường thì thủ tục giấy tờ rất khó khăn. Như đoàn phim Kong: Skull Island sau khi xin phép tại Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế, phải xin phép từ Bộ Thông tin - Truyền thông vì liên quan đến đạo cụ như bộ đàm, xin phép từ Bộ Quốc phòng vì có máy bay, xin phép Bộ GTVT vì liên quan đến phương tiện di chuyển, xin phép Bộ Công an vì liên quan đến an ninh trật tự.
Sẽ có những chính sách ưu đãi gì với phim?
Thực tế, có không ít dự án phim của Hollywood bị “chìm xuồng” vì chờ duyệt như: James Bond 007, Going Back… Vậy nên, để Việt Nam thu hút các đoàn làm phim nước ngoài phải có những phương án cụ thể. “Chúng ta không phải áp dụng tất cả những quy chế hiện tại đang có đối với dự án phim nước ngoài. Tiến tới sẽ tiến hành như một dự án đặc biệt để xin Chính phủ hỗ trợ”, ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ. Cùng đó, ông cho biết thêm, sau khi đoàn phim Kong: Skull Island về nước, Cục Hợp tác quốc tế đã nhận được lời đề nghị của một số hãng phim nước ngoài. Một số đại diện của Hollywood đã mời sang để có cuộc gặp gỡ và giới thiệu thêm nữa về Việt Nam và những chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài vào đây để quay phim.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm như các nước. Chính vì thế, để biến Việt Nam trở thành phim trường của thế giới, phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ, cho Bộ VH,TT&DL có những cơ chế, chính sách hấp dẫn các đoàn làm phim nước ngoài. Cải thiện hơn về mặt thủ tục hành chính, có ưu đãi về thuế, nâng cao hiệu quả của sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch một cách chặt chẽ. Làm sao để điện ảnh trở thành kênh quảng bá du lịch tốt nhất, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận