Dồn nhân lực, máy móc để thi công xuyên tết
Thời điểm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bấm nút phát động lễ khởi công đồng loạt các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 ngày 1/1/2023 cũng là thời điểm trên các công trường cao tốc, các nhà thầu đồng loạt ra quân ồ ạt để đảm bảo tiến độ đề ra.
Thiết bị máy móc được Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng tập kết để thi công các tuyến đường công vụ, nhà điều hành, lán trại cho công nhân
Sáng 9/1, ghi nhận của PV tại dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), ngay sau lễ khởi công, liên danh nhà thầu gồm: Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - Tổng công ty Vinaconex đảm nhiệm thi công dự án từ Km 479 đến Km 514 đang tập trung xây dựng lán trại, nhà điều hành, nhà thí nghiệm và thi công các tuyến đường công vụ để phục vụ dự án.
Tại hiện trường, kỹ sư Ngô Văn Thuấn (Công ty 319) thông tin, sau khi Thủ tướng ấn nút khởi công, đơn vị đã cho tập kết 8 máy đào, 6 máy ủi, 24 máy lu để phục vụ dự án.
“Ngay sau lễ khởi công, đơn vị chuẩn bị kỹ càng pháp lý đầu vào để triển khai thi công. Sau đó căn cứ mốc, mạng (hệ thống mốc định vị tại hiện trường - PV) đã được chủ đầu tư bàn giao trên mặt bằng để bố trí triển khai các mũi thi công phù hợp, khoa học”, kỹ sư Thuấn nói.
Tiến độ các dự án nhà ở công nhân, nhà thí nghiệm vật liệu đang được các nhà thầu đẩy nhanh thi công
Còn tại Km 409 đến Km 501 thuộc dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Tổng công ty Vinaconex cũng đang tranh thủ từng ngày nắng ráo để tập trung máy móc thi công các hạng mục như: đường công vụ, nhà điều hành, lán trại cho công nhân...
Ông Vũ Trung Thắng (cán bộ công ty Vinaconex), đơn vị đã được bàn giao mốc, mạng trên toàn tuyến từ chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long. Trên công địa, đơn vị đã bố trí 4 máy đào, 2 xe lu, 1 xe tưới nước để thi công đường công vụ, nhà điều hành và lán trại...
“Ngay từ bây giờ chúng tôi cùng với các đơn vị liên doanh khác đang lên kế hoạch chi tiết để thi công xuyên Tết...” ông Thắng thông tin.
Đảm nhận phạm vi thi công từ Km636 - Km652 tại gói thầu XL01 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Nguyễn Tài Mạnh, cán bộ ban điều hành thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, ngay sau lễ khởi công, đơn vị đã bố trí 3 mũi thi công. Cụ thể, tại vi trí Km 643 +300 thi công hạng mục đường, đơn vị bố trí 20 nhân công, 10 xe máy; tại vị trí Km 642 +500 thi công cầu Bản 2 bố trí 1 dây chuyền thi công cọc khoan nhồi; ngoài ra đơn vị bố trí thêm nhân lực, máy móc để dựng trạm trộn bê tông và nhựa nóng.
“Trên cơ sở đoạn tuyến được bàn giao mặt bằng dài nhất là 4,5km, nhà thầu đã bố trí 20 đầu máy thiết bị và 50 nhân công trên công trường. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ thay ca thi công xuyên Tết”, ông Mạnh nói.
Mỏ vật liệu, đất đắp vẫn khiến các nhà thầu chưa an tâm
Theo khảo sát của Ban QLDA Thăng Long, nguồn vật liệu phục vụ 3 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng rất khả quan.
Tuy nhiên, để bàn giao các mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công còn vướng nhiều thủ tục và các văn bản chồng chéo nhau giữa các bộ, ngành, Chính phủ.
Tập đoàn Cienco4 đã huy động khoảng gần 30 đầu máy với khoảng 50 công nhân tập trung cho 3 mũi thi công gồm, đường, cầu, các trạm trộn bê tông, nhựa
Ông Nguyễn Đăng Cường (cán bộ Ban QLDA Thăng Long – Chủ đầu tư dư án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi Vũng Áng) cho biết, đơn vị đang đốc thúc các nhà thầu liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để làm các thủ tục để được giao mỏ. Tuy nhiên, các văn bản để thực hiện đang “chéo chân nhau” văn bản này mắc văn bản kia nên chưa hoàn thành công tác giao mỏ.
Theo quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, tại dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi có 6 mỏ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đã đấu giá xong quyền sử dụng đất nhưng tỉnh đang cho dừng lại để làm thủ tục giao lại cho nhà thầu để khai thác theo quy định; 4 mỏ còn lại đang làm thủ tục quy hoạch để làm thủ tục cấp phép làm vật liệu cho đường cao tốc.
“Về mặt bằng, đến nay toàn dự án thành phần đã giải phóng được trên 80% nên không vướng. Nhưng điều doanh nghiệp băn khoăn nhất hiện nay là mỏ vật liệu. Trong dự án, mỏ được giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác. Nhưng theo chủ trương, nhà thầu phải thoả thuận với người dân để GPMB mỏ. Đây là điều rất khó, nếu vướng sẽ không có mỏ, toàn bộ dự án sẽ bị ách tắc. Nếu để tỉnh giải phóng thì sẽ dễ hơn nhà thầu...” ông Đỗ Thành Chung – Phó giám đốc DNTN xây dựng Xuân Trường nói.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục, văn bản trồng chéo giữa các bộ, ngành nên tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN & MT xem xét hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận