Hạ tầng

Sau một năm lên thành phố, Thủ Đức có những gì?

26/04/2022, 14:00

Khi TP Thủ Đức được thành lập, được kỳ vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước...

Sau hơn một năm thành lập, Thủ Đức đã có những gì?

“Chưa có gì khác biệt”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jye Shing (doanh nghiệp có trụ sở trong Khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức), khi được hỏi về những thay đổi sau hơn một năm Thủ Đức lên thành phố.

Theo ông Tuấn, ngoài việc phải sửa tên địa chính trên giấy phép kinh doanh, giao dịch, giấy tờ… năm qua TP Thủ Đức chưa có chính sách mới để giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư hay tiếp cận thêm nguồn vốn. Hạ tầng giao thông tại đây cũng chưa có đổi thay nhiều, thậm chí nhiều dự án giao thông vẫn ngưng trệ nhiều năm nay. Điều này ảnh hưởng đến ATGT, mỹ quan đô thị của TP.

img

Xa lộ Hà Nội, đường sắt trên cao metro sẽ là hệ thống giao thông quan trọng, kết nối giữa TP.HCM và TP Thủ Đức trong tương lai

Điểm sáng của Thủ Đức là trong những ngày chống dịch, đơn vị này ra mắt được ứng dụng “TP Thủ Đức trực tuyến”, công khai các dịch vụ công và đầu mối để doanh nghiệp, người dân liên hệ.

“Tôi cho rằng, TP Thủ Đức phát triển không thể ngày một ngày hai. Một năm để thay đổi là điều không thể khi thành phố vừa mới sáp nhập lại phải ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tôi mong chính quyền thành phố sẽ quy hoạch đồng bộ, tính toán đến phát triển bền vững, thu hút các nhà đầu tư. Lên thành phố mới, người dân khu vực nhìn chung sẽ có thêm hứng khởi và động lực mới để làm việc”, ông Tuấn kỳ vọng.

Ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B, TP Thủ Đức cũng cho rằng, hơn một năm thành lập là thời gian quá ngắn, khi phải vừa làm công tác kiện toàn bộ máy vừa tập trung công tác chống dịch.

Tuy nhiên, theo ông Mau, với việc Thành uỷ TP.HCM đã có Nghị quyết 08 tạo cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, TP sẽ được ưu tiên dành nguồn lực để phát triển hạ tầng, thực hiện tăng tỉ lệ ngân sách để lại nhằm đầu tư phát triển đúng định hướng đã đề ra.

“Hiện Thủ Đức còn rất nhiều dự án giao thông đang vướng mặt bằng, nếu có cơ chế đặc thù để giải quyết bồi thường cho người dân thì tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh”, ông Mau nói.

Cần đầu tư mạnh hạ tầng giao thông

Được biết đến là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Nơi đây còn là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng - QL1K, QL52, QL13, đường Vành đai 2, 3… Dự báo vào năm 2040, nơi đây sẽ có khoảng 2,2 triệu dân và gần 20.000ha đất xây dựng đô thị.

Tuy vậy, hạ tầng giao thông được đánh giá đang là lực cản khi nhiều dự án chưa hoàn thành hoặc chậm đầu tư. Chẳng hạn các cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại… 3 năm chưa xây xong.

Hay dự án chống ngập đường Võ Văn Ngân đã triển khai 1 năm nay nhưng vẫn rất ì ạch. Xa lộ Hà Nội vẫn còn khoảng 2km từ bến xe Miền Đông mới đến cầu Đồng Nai chưa hoàn chỉnh mở rộng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để TP Thủ Đức quy hoạch, phát triển một cách bài bản. Thủ Đức muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế thì phải đầu tư mạnh hạ tầng giao thông.

Hiện, Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TP.HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cát Lái, tuyến metro số 1, bến xe Miền Đông mới…

Theo ông Châu, nguồn ngân sách Nhà nước dành cho các dự án hạ tầng đô thị chỉ là “vốn mồi”, nguồn vốn phát triển TP Thủ Đức chính là từ đóng góp của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. “Làm sao để phát huy được những nguồn lực này mới tạo được sự đột phá cho Thủ Đức”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, Thủ Đức có Cát Lái là hệ thống cảng, trung tâm logistics lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, cần tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cát Lái, tổ chức kết nối giao thông đến các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh ĐBSCL.

“Thành phố cần có kế hoạch phát triển các khu đậu chờ cho tàu thuyền cập bến lấy hàng hoá, cho phép Tân Cảng và các doanh nghiệp khác tiếp cận các khu đất dọc sông Đồng Nai để phát triển logistics và lưu trữ hàng hoá”, ông Nam kiến nghị.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức, năm 2022 đơn vị này được bố trí hơn 382 tỷ đồng vốn đầu tư cho giao thông, gồm cả vốn bồi thường GPMB. Đây là nguốn vốn quá ít ỏi để tạo được một cú hích cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, để tăng cường mời gọi đầu tư, chính quyền TP Thủ Đức đã và đang rà soát toàn bộ dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để đẩy nhanh việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thiện công trình.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để mời gọi đầu tư…

Từ ngày 1/4, TP.HCM đã tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển để đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối các cảng.

Theo Sở GTVT TP, dự kiến nguồn thu trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 16.000 tỷ đồng. Nguồn thu này sẽ bổ sung vào ngân sách TP để đẩy nhanh lộ trình đầu tư các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển.

Trong danh mục các tuyến đường ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn này có đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh, nút giao Mỹ Thuỷ, Vành đai 2… thuộc TP Thủ Đức.

Cùng với đó, metro số 1 cũng hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023. Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cũng được khởi công để kết nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đây là những tín hiệu tích cực để tạo một cú hích cho sự phát triển của thành phố non trẻ Thủ Đức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.