Thực hiện các giải pháp phát triển các phương thức vận tải tại các thành phố lớn, trong đó có xe buýt, thành phố Cần Thơ đặt ra mục tiêu sau năm 2025 nỗ lực phủ kín mạng lưới xe buýt khắp hầu hết các trục đường chính kết nối từ thành thị đến nông thôn, khu dân cư, khu công nghiệp, kết nối các tỉnh thành lân cận với 34 tuyến xe buýt.
Thúc đẩy phát triển
So với các thành phố lớn, loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) xuất hiện ở thành phố Cần Thơ khá sớm từ những năm 1990. Sau một thời gian dài khai thác, xe buýt dần bị người dân thờ ơ do xuống cấp.
Theo đánh giá từ ngành chức năng, trong giai đoạn 2010-2015, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Cần Thơ liên tục suy giảm về khối lượng vận chuyển, phương tiện khai thác. Tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt tại thời điểm này chưa được 1% dân số của thành phố.
Cụ thể hóa Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt; Nghị quyết số 12của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021.
Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển VTHKCC bằng xe buýt để tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt đạt từ 5% ÷ 10% đến năm 2020 và 20-30% đến năm 2030.
Cùng với đó để phương tiện xe buýt là lựa chọn thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường đô thị.
Không ngừng mở rộng
Ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, hiện thực hóa quy hoạch nói trên, tháng 9/2020, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Cần Thơ (nay là Trung tâm quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (trực thuộc Sở GTVT thành phố Cần Thơ) đã tham mưu Sở mời gọi được nhà đầu tư tham gia khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh theo hình thức không trợ giá.
Cùng với 10 tuyến xe buýt liên tỉnh đang hoạt động thời bấy giờ, thành phố Cần Thơ có 17 tuyến xe buýt hoạt động. Như vậy, cơ bản đáp ứng lộ trình đã đề ra.
"Theo kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ phát triển 26 tuyến xe buýt. Theo đó, số tuyến dự kiến mở mới là 9 tuyến.
Đến nay, đã được lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào khai thác bốn tuyến xe buýt nội thành theo hình thức không trợ giá, 5 tuyến xe buýt liền kề đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tham gia khai thác dự kiến chậm nhất trong quý I/2025 đưa vào khai thác", Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho hay.
Cũng theo ông Phạm Văn Đồng, giai đoạn sau năm 2025, Cần Thơ định hướng phát triển thêm ba tuyến liền kề và và tuyến nội tỉnh. Như vậy trên địa bàn thành phố phát triển 34 tuyến xe buýt, trong đó 16 tuyến xe buýt nội tỉnh và 18 tuyến liền kề với tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 1.222,6 Km.
"Giai đoạn này mạng lưới tuyến xe buýt về cơ bản đã phủ khắp hầu hết các trục đường chính của thành phố, kết nối đô thị trung tâm và các đô thị các tỉnh lân cận, kết nối được khu dân cư, những khu công nghiệp tạo được sự liên hoàn trong lựa chọn hình thức đi hàng ngày bằng xe buýt của người dân. Như vậy, đến giai đoạn này VTHKCC bằng xe buýt đã trở thành một sự lựa chọn không thể thiếu của đại bộ phận nhân dân, cán bộ công nhân và người lao động", Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận