Được mở cửa trường học, đương nhiên là cơ hội để hồi sinh nhưng đã có nhiều cơ sở mầm non không thể chờ đến ngày được mở cửa. Thậm chí, có cơ sở tuyên bố giải thể chỉ trước thời điểm này vài tuần.
Sau thời gian nghỉ dài để phòng dịch, trẻ mầm non tại Hà Nội đã được quay trở lại trường từ ngày 13/4. Ảnh: Tạ Hải
Ở khía cạnh nào đó, nhiều chủ trường đã xem lệnh “mở cửa trường mầm non” như một sự cứu vớt.
Nhưng thực tế sự chậm trễ, e dè của nhà chức trách Hà Nội trong hai năm dịch bệnh khiến cho những “cơ hội vàng” với giáo dục mầm non đã bị bỏ qua.
Trong khi chỉ cần dám chịu trách nhiệm, nhận cái khó về mình để áp dụng những giải pháp linh hoạt, ưu tiên tối đa cho việc mở lại trường học vào những thời điểm có thể đảm bảo an toàn thì đã có hàng trăm ngàn trẻ mầm non Hà Nội được đến trường sớm hơn.
Cùng với đó, gần 1.200 trường và hàng ngàn nhóm lớp mầm non có thể cũng không rơi vào cơn bĩ cực.
Nhưng giờ đây, không ai có lỗi, không ai phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt cơ sở mầm non biến mất, trước nhiều đứa trẻ đã bị tuột mất cơ hội học tập ở lứa tuổi quan trọng hình thành những kỹ năng cần thiết. Vì chỉ cần đổ lỗi cho Covid-19 là xong.
Đúng là do dịch bệnh. Nhưng trong dịch bệnh đó, nhiều địa phương khác đã không khoanh tay đứng nhìn, chọn giải pháp dễ nhất cho nhà chức trách là “đóng cửa”.
Họ đã tranh thủ tối đa những cơ hội vàng để đưa trẻ trở lại trường học. Duy nhất có Hà Nội đã kiên trì đóng cửa trường mầm non liên tục một năm.
Nếu tính từ đợt đầu của đại dịch cách đây hơn hai năm, thời gian các các cơ sở mầm non Hà Nội hoạt động chỉ có vài tháng.
Trong rất nhiều các cuộc họp của các bộ, ngành, thông điệp “ưu tiên cho giáo dục mầm non” luôn được đặt ra, nhắc đến.
Nhưng những chính sách vẫn chưa đến được nơi cần đến. Gói hỗ trợ cho mầm non theo chỉ đạo của Chính phủ hiện vẫn “đang trên lộ trình triển khai”, trong khi nhiều cơ sở cần hỗ trợ đã không chờ được mà giải thể, những trường, lớp khác thì vừa nuôi dạy trẻ vừa phải xoay xở với khó khăn.
Trong ngày trẻ tựu trường, nhiều đứa trẻ ngơ ngác vì trường cũ đã giải thể. Ở những ngôi trường còn sức quay lại sau đại dịch, tình trạng chung là thiếu kinh phí hoạt động, thiếu giáo viên, nhân viên cấp dưỡng. Nhiều nơi không đủ sức để thuê cả nhân viên lau dọn, bảo vệ…
Dư âm của đại dịch khiến rất nhiều giáo viên không muốn quay lại cái nghề nằm trong nhóm bấp bênh, rủi ro nhất để nhận mức lương èo uột nhưng áp lực, vất vả.
Những tháng ngày thất nghiệp không trợ cấp, không có chính sách nào hỗ trợ, bảo vệ khiến nhiều người quyết định rẽ ngang.
Đó là những góc khuất chỉ những người trong cuộc mới ngấm. Dịch bệnh rồi cũng đi qua, những sai lầm rồi cũng được quên.
Chỉ khó khăn, mất mát thì đeo bám. Nếu giáo dục mầm non không được “hà hơi thổi ngạt” sau những cờ hoa ngày tựu trường, chất lượng nuôi và dạy trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Vĩnh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận