Đường bộ

Sau phân cấp, Cục Đường bộ sẽ quản lý các tuyến đường nào?

12/01/2025, 10:05

Sau khi thực hiện phân cấp cho các địa phương, Cục Đường bộ VN sẽ chỉ quản lý đường cao tốc và các tuyến quốc lộ huyết mạch.

Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 165/2024 hướng dẫn một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, nghị định quy định: Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý quốc lộ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các công trình, hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với quốc lộ được phân cấp; các công trình cầu, hầm, bến phà nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GTVT lấy ý kiến UBND cấp tỉnh có liên quan, trước khi quyết định một UBND cấp tỉnh được phân cấp quản lý công trình này.

Sau phân cấp, Cục Đường bộ sẽ quản lý các tuyến đường nào?- Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Đắc Lắk.

Các quốc lộ không phân cấp, bao gồm: Đường cao tốc do Bộ GTVT quản lý; QL1, đường Hồ Chí Minh để kết nối các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ khác theo chiều dọc đất nước; quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ Nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ khi phân cấp cho UBND cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Sau khi được phân cấp, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt; quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp.

Cùng đó có trách nhiệm quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp; bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được phân cấp quản lý với các tuyến đường bộ trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực.

Chính phủ cũng giao Bộ GTVT có trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra quốc lộ phân cấp bảo đảm quy mô, chất lượng quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt; bảo đảm kết nối giao thông theo quy định; việc chấp hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đường bộ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, tiếp tục quán triệt thực hiện chủ trương phân cấp triệt để cho địa phương, với tinh thần "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Cục Đường bộ VN đã triển khai công tác chuẩn bị để đảm bảo việc thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ ngay sau khi Nghị định thi hành Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành.

Dự kiến, sau khi phân cấp, Bộ GTVT sẽ chỉ trực tiếp quản lý khoảng 3.650km quốc lộ và đường cao tốc, chiếm khoảng 16% tổng số chiều dài quốc lộ; phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý khoảng 19.000km chiếm khoảng 84% tổng số chiều dài quốc lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.