Thị trường

Sầu riêng rớt giá, khó bán ra... nông dân Đắk Lắk “đứng ngồi không yên”

26/08/2021, 07:04
image

Sầu riêng ở Đắk Lắk đang vào vụ nhưng giá “tụt dốc” từng ngày, việc bán ra cũng gặp khó khăn khiến người nông dân “đứng ngồi không yên”…

Giá sầu riêng tụt dốc, khó bán ra

Một tuần qua, vợ chồng bà Ngần (thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) “đứng ngồi không yên” vì vườn sầu riêng hơn chục tấn đang vào vụ nhưng không thấy thương lái đến mua, nếu có thì thương lái trả giá quá thấp khiến gia đình không thể bán, đang “neo” lại chờ giá.

img

Sầu riêng rớt giá, sức tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn khiến người dân Đắk Lắk như "ngồi trên đống lửa". Ảnh: Ngọc Hùng

Bà Ngần chia sẻ: “Mọi năm, tới thời điểm này vườn sầu riêng đã cắt tới vụ thứ 4 với giá bán trên 40 ngàn/1kg, nhưng tới thời điểm hiện tại giá ở mức dưới 30 ngàn/1kg, người dân chưa bán được trái nào. Cùng với đó, giá thấp nhưng người mua cũng không có. Hôm qua, có người dẫn thương lái vào vườn, nhưng tính toán giá mua theo quy cách và giá giao động từ 15.000 đồng - 20.000 đồng nên gia đình không bán được”.

Theo bà Ngần, hàng chục ha sầu riêng ở thôn Phước Thịnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, sầu riêng chín rụng nhưng chưa bán được. Hàng ngày, người dân cứ túc trực tại vườn, nhặt quả chín, bán nhỏ lẻ cho người đi thu mua bằng xe máy với giá từ 25.000 đến 27.000 đồng. Người dân giờ chỉ biết chờ chính quyền tỉnh, có hỗ trợ để người dân bán được vườn cây, mong vớt vát mùa vụ.

>>> Video: Sầu riêng rớt giá, khó bán ra… nông dân Đắk Lắk “đứng ngồi không yên”

Cùng chung hoàn cảnh, anh Tuấn (ngụ xã Ea Knếch, huyện Krông Pắk) cho biết: “Gia đình có hơn 100 gốc sầu riêng, được khoảng 10 tấn, mọi năm giá bán giao động trên 40.000 đồng/1kg nhưng năm nay chưa kịp bán thì giá rớt từng ngày. Do không thể “neo” lại được nữa nên chấp nhận bán xô với giá 28.000 - 30.000 đồng/1kg”.

Theo anh Tuấn, sầu riêng không như các hàng nông sản tiêu hay cà phê, trữ lại năm này không bán được thì năm sau. Sầu riêng không bán được sẽ chín rụng, hư hỏng sẽ vứt bỏ nên chấp nhận bán với giá thấp.

img

Theo người trồng sầu riêng và thương lái, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá sầu riêng giảm mạnh, tiêu thụ gặp khó. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Nguyễn Văn Tân (ngụ huyện Cư Kiun), người thường xuyên thu mua sầu riêng của người dân về nhập cho các vựa chia sẻ: “Đầu vụ, giá trên 40.000 đồng/1kg, tôi đặt cọc 20 triệu để mua bao vườn (khoảng 15 tấn) với giá 42.000 đồng/1kg đang chờ cắt. Nhưng càng ngày giá càng rớt nên tôi chấp nhận bỏ vườn, mất 20 triệu tiền cọc chứ giá hiện tại xuống còn 34.000 đồng/1kg, cắt sẽ lỗ thêm”.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Minh (chủ vựa sầu riêng tại xã Ea Yông) cho hay: “Hiện tại giá rớt từng ngày, tôi mua vào gần chục tấn nhưng chưa thể bán ra khiến lượng lớn sầu riêng đang bị tồn đọng. Vì vậy, vựa tạm thời đóng cửa, một phần để phòng ngừa dịch COVID, một phần chờ xuất bán hết lượng hàng trong kho mới dám mua vào”.

“Đầu mùa, tôi đặt cọc mua bao vườn với giá 43.000 đồng/1kg, tôi đã cắt được 10 tấn. Hiện tại vườn còn 8 tấn chưa cắt, nhưng giá mỗi ngày một giảm, người dân thấy giá rớt do thị trường nên dân tự nguyện giảm xuống cho tôi từ 5 đến 7 giá (5.000 đến 7.000 đồng) để cho tôi cắt. Giá rớt nhưng tôi chấp nhận lỗ, vẫn cắt cho người dân với giá 36.000 đồng/1kg, vì làm ăn phải có lúc này lúc kia…”, anh Minh chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (Giám đốc Công ty TNHH MTV thu mua trái cây Minh Yến) cho biết: “Gần 10 ngày qua, vựa đóng của tạm nghỉ, vì hàng mua vào không xuất được. Đầu mùa, chị mua vào với giá 48.000 đồng/1kg để đóng hàng xuất đi Hồng Kông nhưng cả 10 ngày nay không xuất được chuyến hàng nào, không có chuyến tài nào chạy”

“Năm nay, sầu riêng tiêu thụ rất khó, hàng mua vào không xuất đi được. Hiện tại các kho trữ đã đầy, không thể nhét thêm nên 1 tuần nay phải ngưng mua, để chờ xem tình hình thị trường như thế nào mới dám mua tiếp”, bà Yến khẳng định.

img

Do lượng sầu riêng mua vào không xuất được, một số vựa đã ngừng thu mua. Ảnh: Ngọc Hùng

Tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua sầu riêng

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn được thuận lợi, địa phương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, thực hiện test nhanh, hỗ trợ y tế tại chỗ, cho tiêm vắc xin toàn bộ thương lái, tài xế, thợ cắt sầu riêng. Tuy nhiên, đến nay thương lái, tài xế và thợ cắt sầu riêng đến còn ít.

“Hiện tại, việc việc xuất khẩu khó khăn, địa phương sẽ hỗ trợ các thương lái tách múi, cấp đông để chờ lúc thuận lợi sẽ đưa đi tiêu thụ. Về lâu về dài, chúng ta không thể phụ thuộc mãi vào con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Địa phương sẽ xây dựng thương hiệu sầu riêng để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch ở các thị trường khác. Đồng thời, sẽ xây dựng chuỗi sản phẩm, chú trọng chất lượng để tạo đầu ra đa dạng cho sầu riêng”, bà Trinh nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tình hình tiêu thụ sầu riêng hiện nay, ngoài khó khăn tiêu thụ nội địa, vận chuyển trong nước, khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện trái sầu riêng chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện sản lượng sầu riêng tại tỉnh chiếm khoảng 70%, xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Trước đây, tỉnh yêu cầu xuất khẩu phải đạt 50% nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID thì còn số này khó đạt được. Vài ngày tới, Sở Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh chủ trì cuộc họp để bàn về việc tiêu thụ sầu riêng cũng như giải pháp giúp người dân”.

“Sở Nông nghiệp vừa mới họp, việc giá cả có thể xuống thấp, tiêu thụ có thể có khó khăn nhưng chưa đến mức chúng ta lo lắng. Chúng tôi đã khảo sát sơ bộ qua các đại lý thu mua hoặc tại địa phương có sản lượng lớn như Krông Pắk (chiếm 40% sản lượng sầu riêng cả tỉnh) giá có thể thấp nhưng thực tế người dân có lãi rất cao”, ông Côn khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.