Chuyện đời cảm động, thấm đẫm nước mắt của nghệ sĩ Bạch Long đã được kể lại trong "Sau ánh hào quang". |
Không chỉ được biết tới là anh trai của nghệ sĩ Thành Lộc, nghệ sĩ Bạch Long còn được biết tới với hình ảnh vui vẻ, hoạt bát. Thế nhưng, ẩn đằng sau những tiếng cười anh mang tới cho khán giả là những góc khuất chôn giấu những bi kịch sâu thẳm. Trong tập 11 của chương trình Sau ánh hào quang, nghệ sĩ Bạch Long đã có những trải lòng về cuộc đời khốn khó của mình.
Năm 1990, nghệ sĩ Bạch Long thành lập một đoàn hát cải lương nhí với nhiều diễn viên nhí thuở ấy như Tú Sương, Bình Tinh, Vũ Luân… Anh huấn luyện, dạy bảo và đào tạo các em, để các em nhỏ có thể đi hát để kiếm tiền sau này đỡ đần bố mẹ. Thế nhưng đến năm 1996, đoàn tan rã.
Với Bạch Long, anh lập đoàn với mục đích truyền nghề, tạo nên thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Khi các học trò của mình được các đoàn khác mời về, các em đã hỏi Bạch Long: "Đoàn đó mời con về, thầy có cho tụi con đi không?”. Anh đã khuyên các học trò của mình nên đi bởi anh dạy nghề cho tụi nhỏ chỉ để giúp các em có khả năng được phát triển, nuôi được cha mẹ. Bản thân anh chỉ giúp các em thành nghề.
“Một số đứa tội nghiệp, đi hát ở mấy quán nghệ sĩ. Người khác lên hát người ta cho tiền bông. Tôi nói không cho các con làm điều ấy, các con phải có sân khấu hoạt động", anh ngậm ngùi nhớ lại và cho biết, lúc đó bản thân anh cũng trắng tay, không giúp được gì cho học trò của mình. Chính anh cũng đã phải tháo đồng hồ đưa cho học trò đi cầm đồ. Thế nhưng, học trò của anh đã không cầm đồng hồ mà đưa cho anh 300 nghìn đồng, bảo mới lĩnh lương và đưa cho thầy dùng.
“Nó đi làm bảo vệ mà trong khi đang hát được. Nó bước ra khỏi phòng và tôi đã ngồi khóc. Tôi tự hỏi tại sao cuộc đời của mình lại bi kịch đến thế, phải sống nhờ tiền của học trò”, nghệ sĩ Bạch Long rơi nước mắt nhớ lại.
Sau đó, Bạch Long đã thắp nhang xin Tổ nghiệp cho mình đi hát vì nếu không đi hát, anh không biết làm gì. Nếu Tổ không cho đi hát, anh sẽ tự tử. Đúng khi ấy, bất ngờ có một người phụ nữ đi vào trong đền hỏi tìm nghệ sĩ Bạch Long. Người đó đã chỉ thẳng mặt anh nói: “Đừng có suy nghĩ bậy bạ. Cuộc đời cậu không khổ hơn tôi đâu”. Sau khi nghe người đó kể câu chuyện, anh đã quên chuyện tự vẫn. Hai tuần sau, anh nhận được cuộc gọi của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mời sang diễn “Ba chàng lính ngự lâm” ở Nhà hát thành phố, diễn 10 suất. Và anh đã thành công.
Năm 2000 là bước ngoặt trong cuộc đời Bạch Long. Thất nghiệp 4 năm, đến lúc anh muốn tự vẫn thì Tổ nghiệp thương và chuyển anh về kịch nói. Sau khi hỏi ra, anh được biết đạo diễn Hùng Lâm ngỏ ý muốn mời anh về diễn. Bạch Long bật khóc bộc bạch: “Tôi đã cầm tay anh Hùng Lâm và nói: Anh Lâm ơi, anh có biết anh là vị cứu tinh của em?”.
Trong dòng nước mắt, nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ, dù khó khăn nhưng anh không muốn làm phiền ai bởi mình không làm được gì cho người khác. Bây giờ, khi mình khổ lại làm phiền người khác là không được. Thậm chí, khi vào chùa, anh cầu nguyện rằng nếu số của mình phải chết thì cầu nguyện bề trên cứ để mình chết. Đừng cho anh bị bệnh, bởi anh sợ làm phiền mọi người xung quanh.
“Mình sống một mình. Anh em nghệ sĩ còn vợ con, họ giúp mình mình lại mang ơn rồi làm phiền họ. Tôi thích đứng trên sân khấu, rồi vào ngã quỵ và “đi” luôn. Tôi cầu nguyện điều đó”, nam nghệ sĩ bộc bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận