Đỉnh điểm căng thẳng
Ngày 10/5, thông tin từ tờ AP cho biết mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.
Đỉnh điểm của rạn nứt là khi ông Biden trì hoãn chuyển giao bom hạng nặng cho Israel và ra tối hậu thư cảnh báo dừng viện trợ vũ khí nếu Israel tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Rafah, nơi hơn 1,5 triệu người dân Palestine lánh nạn vì xung đột ở Gaza.
Đáp lại, ông Netanyahu tuyên bố tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự kể cả khi không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
“Chúng tôi sẵn sàng làm mọi thứ một mình, không cần trợ giúp từ bên ngoài. Thậm chí nếu cần, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, ông Netanyahu tuyên bố.
Theo AP, ông Biden vẫn luôn tự tin vì có thể kiểm soát đồng minh Israel bằng “củ cà rốt”, tức là những chính sách hỗ trợ, thay vì “cây gậy”, ám chỉ các biện pháp mạnh tay, trừng phạt. Tuy nhiên căng thẳng leo thang suốt 7 tháng qua cho thấy thời điểm tốt nhất để Mỹ áp dụng cách tiếp cận trên đã qua.
Nhằm cân đối tình hình căng thẳng trong khu vực Trung Đông và các vấn đề chính trị nội bộ, ông Netanyahu ngày càng tỏ rõ thái độ phản kháng đối với Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ phải ứng biến quyết đoán hơn.
“Tôi muốn nói rõ rằng, nếu Israel định tấn công vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp số vũ khí từ trước đến nay Israel dùng cho chiến dịch này. Điều đó sẽ giúp giải quyết vấn đề nêu trên”, ông Biden trả lời phỏng vấn báo giới hôm 8/5, thể hiện quan điểm ngày càng khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngày 9/5, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby từ chối cho biết liệu ông Biden có thông báo cho ông Netanyahu về quyết định đình chỉ vận chuyển 3.500 quả bom hay không. Tuy nhiên ông John Kirby cho biết Tổng thống Mỹ đã “trực tiếp và thẳng thắn” bày tỏ quan ngại với Netanyahu về vấn đề Gaza.
Đến ngày 10/5, phát ngôn viên đại diện chính phủ Mỹ tiếp tục khẳng định việc Israel tấn công Rafah sẽ không thể tiêu diệt Hamas, đồng thời kêu gọi Israel tìm giải pháp thay thế.
Dù vậy, các trợ lý của Tổng thống Mỹ đã đưa ra những lý do bao gồm mệnh lệnh chính trị, sự gắn kết và thái độ, niềm tin của ông Biden đối với Israel, qua đó khẳng định ông không muốn để mối quan hệ Mỹ - Israel rạn nứt.
Mối quan hệ phức tạp
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel quen biết kể từ những năm 1980, khi ông Biden còn là một thượng nghị sĩ trẻ, còn ông Netanyahu là quan chức cấp cao trong Đại sứ quán Israel ở Washington.
Suốt quãng thời gian đó, đã có không ít lần, ông Biden và ông Netanyahu bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, ông Biden là phó Tổng thống Mỹ. Khi đó hai nhà lãnh đạo có quan điểm khác biệt về việc Israel xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây, nơi người Palestine từng sinh sống.
Sau đó, ông Netanyahu kịch liệt phản đối nỗ lực của ông Biden nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran do Tổng thống Obama ký kết và bị tổng thống kế nhiệm là ông Donald Trump bãi bỏ.
Ông Netanyahu cũng chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ sau khi Washington thúc giục Israel giảm căng thẳng trong cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài 11 ngày giữa Israel với Hamas vào năm 2021.
Đầu năm nay, có thời điểm, hai lãnh đạo không hề đối thoại suốt hơn một tháng vì theo hãng tin AP ông Biden ngày càng thất vọng do tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Gaza diễn biến ngày một tàn khốc.
Tháng qua, chính quyền ông Biden khẳng định Mỹ không thể hỗ trợ Israel đánh Rafah nếu không có kế hoạch đáng tin cậy để bảo vệ dân thường. Trong khi đó, Israel cho biết nước này không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng nếu không tấn công Rafah.
AP nhận định, mối quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu hiện đang ở thời điểm căng thẳng hơn bao giờ hết. Những kế hoạch tương lai của hai nhà lãnh đạo đang mịt mù, khó đoán định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận