Sáng 28/10, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp liên ngành với các bộ, ngành có liên quan như Bộ KHCN, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… về kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến CTCP Tập đoàn Asanzo.
Tổng cục Hải quan thông báo 4 dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan là trốn thuế, gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng và xâm phạm sở hữu công nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan Hải quan lấy ý kiến và quan điểm của các bộ ngành có liên quan đối với kết quả xác minh ban đầu này.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn:
Chúng tôi sẽ tập hợp, đề nghị các bộ ngành chưa gửi báo cáo thì sớm gửi trong ngày nay và ngày mai. Cộng với nội dung hôm nay, chúng tôi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10.
Các dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, trốn thuế… với Tập đoàn Asanzo nhưng đây mới chỉ là xác định ban đầu. Có những cái đã xử lý hành chính, có những nội dung có dấu hiệu vi phạm hình sự cơ quan điểu tra sẽ tiếp nhận, tiếp quản và tiếp tục điều tra, xác minh theo đúng tinh thần chỉ đạo Thủ tướng và Chính phủ.
Liên ngành chúng tôi đã trao đổi, để nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát sớm thực hiện và xác minh nhanh và xử lý theo quy định pháp luật. Chúng ta phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, không suy diễn, không thổi phồng gây ảnh hưởng tới thương hiệu doanh nghiệp. Cần làm đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Đến lượt VCCI, bà Trần Thi Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI thông tin: Sau khi nhận được thông tin về xuất khẩu hàng, VCCI kiểm tra hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Đến thời điểm này, VCCI thừa nhận chưa tiếp nhận hồ sơ khai báo thương nhân của Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Bởi theo quy định, bao giờ doanh nghiệp cũng phải khai báo hồ sơ thương nhân rồi sau đó mới hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O.
“Đến thời điểm này Asanzo chưa từng đến VCCI làm thủ tục cấp C/O cho bất cứ lô hàng nào của Asanzo”, bà Hương thông tin.
Tuy nhiên, nội dung của bà Hương không đi đúng vào vấn đề đặt ra là quan điểm của VCCI về kết quả điều tra ban đầu mà Tổng cục Hải quan tổng hợp và thông báo trước đó. Do đó, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã đề nghị VCCI nêu quan điểm về vi phạm của Asanzo. VCCI có đồng tình hay có quan điểm khác thì cho ý kiến thẳng vào vấn đề.
Tuy nhiên, đại diện VCCI không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho biết có nhận văn bản của Asanzo và VCCI có nhóm công tác làm việc với doanh nghiệp này trên tinh thần trao đổi thông tin với công ty sau khi có bài báo đầu tiên trên báo Tuổi trẻ. Tại buổi làm việc, Asanzo đã giãi bày những vấn đề liên quan. Đại diện VCCI khẳng định nhóm công tác chỉ làm việc như vậy và chưa có lần nào tiếp xúc thực tế với bộ hồ sơ của công ty.
“Trên cơ sở làm việc với Asanzo, tôi nêu quan điểm cá nhân là sản phẩm của Asanzo có nhiều sản phẩm khác nhau và giờ xem xét là sản phẩm của công ty thì phải xem trên từng sản phẩm. Với điều tra xác minh như Tổng cục Hải quan đưa hàm lượng giá trị nhập khẩu là 98% còn lại 2% gia tăng tại Việt Nam thì kết quả cho tất cả hay chỉ cho một sản phẩm?”, bà Hương đặt câu hỏi.
Ông Cẩn lại một lần nữa cắt lời bà Hương và yêu cầu bà Hương phải trả lời trực tiếp với trường hợp sản phẩm TV của Asanzo ở đây có hàm lượng giá trị 98% nhập khẩu và chỉ 2% giá trị gia tăng trong nước. Vậy quan điểm VCCI là có giảm tiêu chí theo quy định hiện nay để doanh nghiệp tự xác định xuất xứ hàng Việt Nam để tiêu thụ và xuất khẩu hay không? Ông Cẩn đề nghị VCCI trả lời cụ thể vào hàm lượng giá trị của ti vi chứ không lan man sang các sản phẩm khác.
Mặc dù ông Cẩn yêu cầu đi thẳng vào vấn đề, bà Hương một lần nữa giới thiệu về quy định tiêu chí xuất xứ trong sản phẩm. Bà Hương cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có Nghị định 31 quy định quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu chứ chưa có quy định cho hàng lưu thông trong nước. “Sản phẩm muốn đáp ứng quy tắc xuất xứ thì trước tiên phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản, sau đó sản phẩm mới đi vào quy tắc xuất xứ cụ thể. Quy định thứ nhất…”, bà Hương dẫn giải.
Ngắt lời đại diện VCCI, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan một lần nữa đề nghị cho ý kiến cụ thể. “Ví dụ chiếc TV, khi Asanzo xuất khẩu hơn 600 TV mà hàm lượng 98% là nhập khẩu và chỉ có 2% trong nước. Như vậy doanh nghiệp khai xuất xứ hàng Việt Nam thì có đủ cơ sở xác định dấu hiệu giả mạo Việt Nam để xuất khẩu hay không?”
Và phải đến lúc này, đại diện VCCI mới trả lời rằng cần xem doanh nghiệp có vượt qua được công đoạn gia công đơn giản hay không. “Nếu doanh nghiệp gia công chỉ bằng tuốc-nơ-vít để xoay xoáy thôi thì rõ ràng không vượt qua công đoạn gia công đơn giản rồi. Không vượt qua giai đoạn gia công đơn giản thì khỏi cần phải đi vào quy định tỷ lệ phần trăm và quy tắc mã HS”, bà Hương khẳng định.
Sau một hồi tranh luận, ông Cẩn chốt lại ý của bà Hương, đại diện cho VCCI là cơ quan này đã đồng tình với quan điểm trong kết luận kiểm tra sơ bộ mà Tổng cục Hải quan đã thông báo trước đó. Tổng cục Hải quan sẽ tổng hợp thêm ý kiến từ những cơ quan, bộ ngành có liên quan để báo cáo Ban Chỉ đạo 389 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận