Thông tin với Báo Giao thông ngày 27/9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, gói hỗ trợ này mới đang ở trạng thái dự kiến. Ngay khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng chi tiết hướng dẫn về gói hỗ trợ này.
Sau Vietnam Airlines, sắp tới sẽ có gói tín dụng hỗ trợ, giúp các hãng hàng không tư nhân khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ
Trước đó, tại cuộc đối thoại trực tuyến do VnEconomy tổ chức cuối tuần qua, ông Tuấn Anh cũng thông tin, dự kiến ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các hãng hàng không và các tổ chức tín dụng có dư nợ trong ngành này.
Buổi làm việc này sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không tư nhân bởi vận tải nói chung và vận tải hàng không nói riêng đã chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 từ suốt năm 2020 đến nay.
Cũng do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT trước đó cũng đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong nước bị như: Hoãn, giảm thuế phí, giảm lãi vay… và đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng.
Đến nay, trong số các hãng hàng không tại Việt Nam, mới chỉ có Vietnam Airlines nhận được gói hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay cơ quan này đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn cho cả ba ngân hàng thương mại cổ phần đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Vietnam Airlines là: SeABank tối đa 2.000 tỷ đồng, MSB tối đa 1.000 tỷ đồng và SHB tối đa 1.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, ba ngân hàng đã giải ngân số tiền 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines vay.
Gói 4.000 tỷ đồng này nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng.
Sau khi Vietnam Airlines được nhận hỗ trợ, hai hãng hàng không tư nhân là Vietjet và Bamboo Airways đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay ưu đãi với mức ưu đãi tương tự Vietnam Airlines.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận