Hành khách tại ga Biên Hòa, Đồng Nai |
Hành khách Trần Thanh Bích đi chuyến Sài Gòn - Tuy Hòa cho biết: “Đây là sự cố không ai muốn. Hơn nữa, mình chỉ mất chút thời gian đến sớm hơn rồi lên xe trung chuyển ra ga Biên Hòa chứ đâu có ảnh hưởng gì đến lịch tàu chạy”.
Theo ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, hôm nay (23/3), ga Sài Gòn sẽ dùng tàu trung chuyển hành khách từ ga Sài Gòn tới ga Sóng Thần, sau đó dùng ô tô chất lượng cao chuyển hành khách từ ga Sóng Thần lên ga Biên Hòa. Đối với vận tải hàng hóa, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai, không để tồn đọng hàng hóa. Công ty cũng đã đề nghị tăng cường đầu tàu, toa tàu từ Hà Nội vào Biên Hòa đề phòng quá tải tuyến Bắc - Nam.
Cũng trong ngày hôm qua, tại ga Sóng Thần, PV ghi nhận nhà ga đã cơ bản giải tỏa lượng hàng hóa tồn đọng, chuẩn bị đón hành khách trung chuyển. Lãnh đạo ga Sóng Thần cho biết, đã bố trí toàn bộ ô tô vận tải sang bãi khác để lấy mặt bằng phục vụ chuyển tải khách. Cùng với đó, nhà ga huy động tổng vệ sinh, bổ sung hệ thống âm thanh, ánh sáng… để phục vụ hành khách một cách tốt nhất. Đến nay, lượng hàng hóa còn tồn tại ga Sóng Thần không đáng kể (với trên 10 toa xe, tương đương khoảng 300 tấn).
Trong khi đó, ngày 22/3, lượng hành khách đến ga Biên Hòa (Đồng Nai) tăng cao. Tuy nhiên, do ngành đường sắt đã có kế hoạch ứng phó nên không xảy ra tình trạng ùn ứ. Quan sát của PV chiều 22/3, Sở GTVT Đồng Nai đã hoàn thành việc nâng cấp sửa đường, tỉa gọn cây xanh, lắp thêm biển báo… trên đường Hưng Đạo Vương để đảm bảo giao thông trước cổng ga Biên Hòa. Mặc dù tuyến đường khá tấp nập do có nhiều xe du lịch, ô tô khách trung chuyển từ TP HCM đổ khách tại ga Biên Hòa nhưng lực lượng CSGT, dân phòng thường xuyên túc trực nên không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Sau sự cố sập cầu Ghềnh, để đáp ứng tăng tàu, tăng chuyến phục vụ khách đi tàu, hệ thống đường ray trong ga Biên Hòa cũng khẩn trương được gia cố lắp thêm đường ống dẫn nước nhằm tiếp nước trên tàu phục vụ hành khách dự kiến sẽ tăng cao đột biến trong những ngày sắp tới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải Bình Thuận, đơn vị quản lý ga Biên Hòa cho biết, công tác vận chuyển hành khách vẫn diễn ra bình thường. Hiện tại ga Biên Hòa có 3 đôi tàu trung chuyển đảm bảo khách khi mua vé đến ga là có tàu đi không lo bị ách tắc. “Trong và ngoài ga đều có lực lượng bảo vệ, hệ thống camera giám sát đã được trang bị nên hành khách có thể yên tâm vào ga đi tàu”, ông Dũng thông tin.
Chưa có quy định xử phạt “tàu to đi vào luồng nhỏ” Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh (sông Đồng Nai) và tàu đâm, mắc kẹt vào cầu An Thái (sông Kinh Môn, Hải Dương) vừa qua có một đặc điểm chung là trọng tải phương tiện đều lớn hơn nhiều cấp kỹ thuật của luồng chạy tàu. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, luồng chạy tàu trên hai sông này đều đạt cấp III kỹ thuật: “có thể khai thác hiệu quả với đoàn sà lan 2x400 tấn và phương tiện trọng tải đến 300 tấn”. Trong khi đó, theo dữ liệu của Cục Đăng kiểm VN, chiếc tàu đi qua cầu An Thái lên tới 3.162 tấn, còn sà lan đi qua cầu Ghềnh là 980 tấn, lớn hơn so với cấp kỹ thuật của luồng. Tuy nhiên, khác với đường bộ, trên các tuyến đường thủy nội địa hiện nay không báo hiệu giới hạn trọng tải hay kích thước phương tiện hay qua cầu, cũng như không có việc xử phạt “tàu to đi vào luồng nhỏ”. Dù vậy, trước xu hướng gia tăng phương tiện thủy trọng tải lớn, đây có thể là điểm bất cập cần được các cơ quan chức năng mổ xẻ và có những điều chỉnh phù hợp? Về vấn đề này, ông Ngô Anh Tuân, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng thuộc Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, việc phân cấp kỹ thuật luồng đường thủy đang thực hiện mang tính chất khuyến cáo cho doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh hoạt động vận tải phù hợp, hiệu quả và người điều khiển phương tiện tự quyết định việc đi lại để đảm bảo an toàn. Khi thông báo cấm, giới hạn phương tiện chỉ áp dụng đối với những trường hợp nhất định, bất khả kháng. Còn việc không đưa ra quy định mang tính chất giới hạn, cấm do giao thông đường thủy có đặc điểm là có thể lợi dụng con nước, thủy triều lên xuống để cho phương tiện lưu thông. “Cục Đường thủy nội địa VN cũng từng đặt ra vấn đề này, tuy nhiên nếu ban hành quy định xử phạt “tàu to đi vào luồng nhỏ” sẽ có mâu thuẫn bởi dù phương tiện lợi dụng con nước lên và đi lại được bình thường nhưng vẫn bị xử phạt”, ông Tuân nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận