Thị trường

Sau vụ Trịnh Sướng, miền Tây vẫn “nóng” chuyện xăng

16/11/2019, 07:12

Sau vụ "đại gia" Trịnh Sướng, người dân miền Tây nơm nớp lo sợ xăng giả nên thường chọn cây xăng lớn có biển hiệu để đổ.

img
Chưa có nhiều cây xăng uy tín chất lượng để người dân vùng Tây Nam bộ có thể lựa chọn

Vụ việc “đại gia miền Tây” Trịnh Sướng làm giả xăng dầu bị khởi tố khiến thị trường sản phẩm đặc thù này được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, không loại trừ còn những “Trịnh Sướng” khác đang hoạt động khi khâu phân phối đầu ra của xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập.

Đổ xăng tại các cửa hàng có biển hiệu lớn vẫn chết máy?

Cố chạy xe hơn 40km về tới cây xăng gần trường ĐH Cần Thơ mới dừng lại để đổ xăng, cậu sinh viên năm thứ hai Nguyễn Thanh Triều (Long Hồ, Vĩnh Long) cho hay, kể từ sau thông tin vụ Trịnh Sướng làm giả xăng bị bắt giữ, em thường chọn cây xăng lớn có biển hiệu để đổ. “Ở vùng quê em có rất nhiều cây xăng nhỏ lẻ, nhưng không biết chất lượng thật giả như thế nào. Chỉ khi đổ xăng xong, xe chạy được quãng thì kêu tạch tạch hoặc chết máy thì mới biết để lần sau không quay lại nữa. Có điều em không hiểu vì sao hiện tượng này cũng xảy ra ở một số cây xăng có treo biển thương hiệu”, Triều nói.

Tấp xe vào đổ xăng tại cây xăng số 2 của Chi nhánh Công ty CP Dầu khí Mê Kông (Petromekong) tại Cần Thơ, anh Trần Văn Đạt (Long Mỹ, Hậu Giang) cũng chia sẻ: “Tôi lựa chọn cây xăng này kể từ ngày được thay đổi biển hiệu, khang trang sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhiệt tình.

Tuy nhiên, khi chạy xe về những vùng quê miền Tây như: Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng… rất hiếm có thể bắt gặp được những cây xăng như thế. Trong khi đó những tiệm xăng nhỏ lẻ ven đường lại rất nhiều, thậm chí có nơi khoảng 2km đã có 3-4 điểm bán xăng, người dân buộc phải mua chứ cũng không có lựa chọn khác”.

Được biết, cây xăng số 2 là một trong ba cây xăng của Petromekong tại Cần Thơ (thống kê toàn thành phố có khoảng 500 điểm bán xăng) có lượng tiêu thụ khoảng 8m3/ngày. Dù 100% xăng bán tại đây được nhập và phân phối bởi Petromekong, song theo chị Nguyễn Thị Thanh Loan, cửa hàng trưởng, để kiểm soát được chất lượng, cửa hàng vẫn phải bảo đảm lưu mẫu theo đúng quy định.

“Trước khi nhập hàng, nhân viên kiểm tra hồ sơ chứng từ của tổng kho, sau đó lấy mẫu, lập biên bản có chữ ký xác nhận của nhân viên lái xe và cửa hàng trưởng. Theo quy định mẫu xăng E5 được lưu tối thiểu 1 tháng; mẫu xăng RON 95 và dầu thì 3 tháng. Đây cũng là căn cứ để đối chứng ở các khâu nếu có sự tranh chấp xảy ra”, nữ cửa hàng trưởng cho hay.

Theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu.Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học thì đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một pháp nhân khác để kinh doanh nhiên liệu sinh học.

Việc kiểm soát nguồn xăng dầu thông qua hóa đơn xuất, nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát khối lượng xăng dầu đầu vào, đầu ra theo hóa đơn đối với đại lý bán lẻ xăng dầu chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan, nên đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ thương nhân đầu mối/phân phối, tổng đại lý… rồi ung dung bán cho người tiêu dùng để trục lợi.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc Petromekong, thực tế, tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có khoảng 46 cửa hàng trực thuộc quản lý của Petromekong, chiếm khoảng 20% sản lượng tiêu thụ trong tổng số 230 nghìn m3 xăng dầu/năm của Petromekong. 80% sản lượng còn lại được đổ buôn cho 420 khách hàng là tổng đại lý hoặc cửa hàng nhượng quyền thương mại của công ty.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn đẩy lợi nhuận lên trên hết, nhập xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng nhượng quyền là rất khó”, ông Long nói.

Thực tế, tạimột cửa hàng xăng dầu nhượng quyền của Petromekong trên địa phận Phong Điền (Cần Thơ), khi được hỏi, nữ kế toán trưởng ở đây cam kết nguồn nhập từ Petromekong. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, chủ cửa hàng này cũng là đại diện pháp nhân của 3 công ty với 3 cây xăng nhập 3 nguồn hàng khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp vẫn sợ minh bạch

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long luôn là điểm nóng gian lận xăng dầu do có đường bờ biển khá dài, nhiều sông lạch, tạo điều kiện cho các đối tượng làm ăn phi pháp, nhập chất dung môi trôi nổi về pha chế lại xăng dầu. Trong khi đó, người dân lại có tâm lý chủ quan, tiện thì dùng, rẻ hơn chút là mua nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẵn sàng hi sinh chất lượng, giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Đặc biệt trong công đoạn lưu thông, CEO PVOil nhấn mạnh, đây là khâu rất dễ để xảy ra tiêu cực. Chính vì thế, PVOil đã thiết lập quy định chặt chẽ với đơn vị vận chuyển, lấy mẫu niêm phong kẹp chì, gắn thiết bị hành trình GPS trên tất cả xe bồn.

Khi cây xăng dầu lại có quy trình từ bàn giao, lấy mẫu gắn trách nhiệm từng cấp, khâu từ giám đốc công ty tới cửa hàng trưởng và từng nhân viên. Ngoài ra còn thành lập những đội đặc nhiệm kiểm tra đột xuất tại hiện trường hoặc qua camera được lắp từ các cửa hàng xăng dầu.

“Chủ quan cho rằng quy trình của PVOil rất chặt chẽ, bên cạnh những biện pháp giám sát hậu kiểm để đảm bảo thực hiện đúng. Tuy nhiên nói gì thì nói, kết quả cuối cùng vẫn đến từ cái tâm của người thực hiện, trước hết là lãnh đạo.

Tất cả những sự cố trên thị trường xuất phát từ tâm của người làm kinh doanh. Trong doanh nghiệp, nếu vị giám đốc đã cố tình làm ăn gian dối, thì cơ quan quản lý nhà nước có 3 đầu 6 tay cũng không thể quản được”, ông Dương nói.

Trước câu hỏi việc kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các đại lý, cửa hàng liên kết và nhượng quyền ra sao khi không thể áp đặt tất cả quy trình “chuẩn” của PVOil, ông Dương thừa nhận đây là một bài toán cực kỳ nan giải.

Về nguyên tắc các đại lý nhượng quyền, khi treo biển hiệu logo của PVOil, phải theo quy định là độc quyền của nhà phân phối, chỉ được mua xăng của PVOil. Tuy nhiên thực tế, đa phần đại lý chỉ nhập 50%, nhiều nhất là 70% sản phẩm của PVOil, còn lại mua từ các nguồn tư nhân khác.

Nếu phát hiện PVOil chỉ biết cắt hợp đồng nhưng họ vẫn có thể hoạt động. Vấn đề nhức nhối này chưa có giải pháp hữu hiệu bởi ràng buộc giữa PVOil với các đại lý chỉ là một bản hợp đồng kinh tế, không thể đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm khắc như cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, CEO PVOil vẫn bày tỏ tin tưởng: “Sau những vụ như Trịnh Sướng bị pháp luật lôi ra ánh sáng, dần dần nhận thức người dân đã thay đổi. Về phía mình, dù là đơn vị lớn thứ 2 trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu song so với Petrolimex, chúng tôi vẫn là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, khoảng cách vẫn còn rất xa.

Do đó, thay bằng việc mở cây xăng nội đô của các thành phố lớn, PVOil chủ trương lấy “nông thôn vây thành thị” để tập trung phát triển thị trường, tạo cơ hội cho người dân vùng xâu vùng xa tiếp cận với xăng dầu chất lượng tốt”.

Cũng theo ông Dương, thời gian gần đây cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra in suất hóa đơn từ các doanh nghiệp thì sản lượng bán ra của PVOil cũng tăng lên đáng kể. “Giải pháp truy suất hóa đơn cần phải được thực hiện tổng thể từ khâu nhập chứa, pha chế tới xuất bán lưu thông.

Chỉ có như vậy cơ quan nhà nước mới kiểm soát được nguồn gốc, số lượng, chất lượng xăng dầu cả đầu vào của doanh nghiệp lẫn đầu ra khi tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện quy định in xuất hóa đơn tại các cây xăng hiện nay vẫn chưa được thực hiện. Phần lớn chủ cây xăng đều lấy lý do phải bỏ vốn đầu tư về công nghệ, song thực chất họ ngại sự minh bạch “nước trong lại không có cá”, khó có thể gian lận kiếm lời”, CEO PVOil chia sẻ.

“Không phát hiện vi phạm”

Chiều tối 14/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau khi xảy ra vụ “đại gia” xăng dầu Trịnh Sướng, chủ Công ty TNHH Mỹ Hưng (Công ty Mỹ Hưng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) làm giả xăng dầu, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến thời điểm này chưa phát hiện cửa hàng nào vi phạm.

Một diễn biến khác, liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Tân Hải (Công ty Tân Hải, TP Cà Mau, Cà Mau), trực thuộc Công đoàn Cơ sở Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau có nhận xăng dầu từ Công ty Mỹ Hưng bán lại, nhưng sau khi biết Công ty Mỹ Hưng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Công ty Tân Hải đã chấm dứt ngay việc nhận xăng dầu từ Công ty Mỹ Hưng.

Tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 10/2019 diễn ra mới đây, PV Báo Giao thông có đặt vấn đề: Gần đây, Công an tỉnh Đắk Nông có đến làm việc với Công ty Tân Hải được cho là có liên quan đến việc công ty này từng lấy xăng giả của Trịnh Sướng để bán. Vụ việc này, Tỉnh ủy Cà Mau có ý kiến như thế nào?

Trả lời, ông Nguyễn Minh Nhứt, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, sau khi nắm được thông tin này, Văn phòng Tỉnh ủy đã mời Giám đốc Công ty Tân Hải đến làm việc. “Giám đốc Công ty Tân Hải cho biết, Công an Đắk Nông không làm việc chính thức, chỉ hỏi nắm tình hình công ty có lấy xăng hay không, không báo lịch làm việc, hay đề nghị cung cấp vấn đề gì. Tuy nhiên, Văn phòng Tỉnh ủy sẽ rà soát kỹ lại, để nắm thêm thông tin và sẽ có phản hồi với báo chí”, ông Nhứt nói.

Gia Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.